Bài viết được viết để tặng các con yêu của tôi, Minh Khuê, Minh Thư khi các con đang do dự biết chọn nghề gì cho tương lai. Mẹ biết cậu út Minh Khôi thì vẫn một mực giống Ông theo nghề kiến trúc hay xây dựng, nhưng nếu một ngày nào đó con muốn đeo đuổi một ước mơ khác, mẹ vẫn sẽ sát cánh bên con…
Người ta thường kháo nhau, “Nghề nghiệp có thể theo ta suốt cuộc đời”, nhưng với mẹ, nghề nghiệp có nhiều ngã rẽ và chướng ngại riêng của nó; tất cả là nhân duyên. Hãy vui vẻ đón nhận và làm tốt nhất có thể!
Bài viết được trình bày theo quan điểm cá nhân của người viết có thể không là ý kiến chung.
Có lẽ phần lớn sinh viên trường y đã luôn định hướng và nung nấu ước mơ trở thành một bác sĩ, được một lần mặc chiếc áo blu trắng kia để giúp ích cho đời. Các bạn có biết bao hoài bão, mong muốn có thể giúp đỡ cho cộng đồng, bệnh nhân, hay tiếp tục thực hiện nghiên cứu khoa học cải thiện sức khỏe cho con người. Mình đã từng khao khát trở thành một Bác Sĩ Nhi, hàng ngày có thể chuyện trò, gặp gỡ với các thiên thần bé nhỏ. Nhưng song nói đi cũng phải nói lại, “nghề” là ta chọn, “nghiệp” là nhân duyên. Lúc mới ra trường, tôi chỉ nghĩ cách để có thể thành công nhanh nhất, cách để thoát nghèo, giúp đỡ ba má. “Chỉ là công việc tạm thời vài năm thôi,” tôi tự nhủ sau vài đêm đắn đo dấn thân vào ngành Dược thay vì mục tiêu ban đầu. Đó có lẽ vẫn là quyết định khó khăn nhất với tôi khi tạm gác lại ước mơ, nhưng thoạt nhìn lại, tôi đã thành công và phấn đấu rất nhiều cho ngành trong suốt những tháng năm tuổi trẻ.
Vậy cơ duyên nào đã giúp mình gắn kết và phát triển nghề nghiệp đến tận hôm nay?
Chắc chữ nghèo đó mà. Hồi đó nhà mình nghèo lắm, ăn cũng chỉ qua loa cho có rồi đi phụ việc nhà. Hồi đó thiên hạ bảo nhau làm ngành Y sướng lắm, có thân phận, có nhiều tiền. Mình với mấy đứa em cũng nghĩ vậy. Nên lúc má đề cập chuyện ngành nghề (và có thiên hướng muốn chị em mình thử sức ngành Y), mình đồng ý cái rụp luôn. Học cũng đam mê lắm, nhưng nói thiệt tìm nơi làm việc ổn lương đủ ăn với đứa mới ra trường thì quá xa xỉ. Nhà mình ở dưới quê, không quen biết ai, khó mà xin được việc. Lúc đó mình đánh liều chuyển hướng sang ngành Dược, rồi dính với nó luôn tới giờ.
Trong giới bác sĩ, khi vừa ra trường và được nhận vào bệnh viện thực tập/làm, luôn có sự dẫn dắt của các bác sĩ đi trước: “Người đi trước trước người đi sau.” Những bác sĩ đó có thể sẽ song hành và giúp đỡ với bạn trong suốt thời gian hành nghề. Vậy liệu rằng tham gia vào các công ty dược quốc gia hay Dược toàn cầu, đầy cơ hội và thử thách, liệu có quá “nguy hiểm” không? Các bạn yên tâm, rất nhiều anh chị sẽ sẵn lòng hướng dẫn hay gọi là “coaching” trong công việc hàng ngày. Nếu bạn có phần hơi “mộc mạc” trong lời ăn tiếng nói, bạn sẽ được khuyên học thêm về kỹ năng giao tiếp. Đương nhiên sẽ có những kỹ năng khác nữa như cách sắp xếp công việc, kỹ năng đàm phán… Nếu bạn thể hiện được năng lực của mình và nhắm tới vị trí cao hơn trong tương lai, hãy “thủ” ngay cho mình kỹ năng quản lý (Management) và lãnh đạo (Leadership). Nếu một người bác sĩ phẫu thuật thăng tiến vì bàn tay điêu luyện của họ, Dược là tổ hợp của sự tinh ranh, khôn khéo, và nắm bắt thời cơ. Vậy nên mới nói, trong bất cứ công việc nào, chuẩn chỉnh là điều không thể thiếu.
Sẽ có lúc chúng ta tự hỏi, liệu rằng chúng ta đang đi sai hướng khi Bác Sĩ đi làm ngành Dược vì mục đích sâu thẳm trong mỗi chúng ta là làm sao giúp đỡ bệnh nhân vơi đi nỗi đau, có thể hồi phục và bình thường như mọi người. Thực tế mà nói, Y và Dược song hành với nhau, và đều giúp đỡ cho bệnh nhân của họ. Bác sĩ “bản chuẩn” chỉ làm trong khâu tiếp xúc trực tiếp với bệnh nhân, còn thống kê số lượng, nguồn thuốc, hay cách điều chế , sản xuất thuốc vẫn là một tay của Dược sĩ. Bạn nghề trong nghề một thời gian sẽ rõ, bác sĩ và dược sĩ rất khắng khít với nhau, phần vì tố chất công việc, phần vị sự “hợp rơ” trong những chủ đề ngày thường và những góc nhìn khoa học. Ngành dược và những người làm nghề dược đã, đang và sẽ tiếp tục cống hiến phần sức lực bé nhỏ của mình vào việc giới thiệu sản phẩm, góp phần mang lại những sản phẩm tốt nhất, phù hợp nhất đồng hành cùng những bác sĩ chẩn đoán, điều trị. Hơn thế, ngành dược còn phải hổ trợ rất nhiều cho nghiên cứu khoa học về dịch tể học và thử nghiệm thuốc mới, liệu trình điều trị nào phù hợp nhất cho mỗi chủng tộc… Với những điều trước đây chúng ta thường nghĩ là xa vời, nhưng giờ đây đã được các công ty hỗ trợ cả về ý tưởng, chi tiết protocol và hỗ trợ tài chính một cách khoa học, tuân thủ chuẩn mực đạo đức. Có vẻ một chút chút cao siêu và một chút xa vời nhưng sự thật đã rất quen thuộc với các bác sĩ nghiên cứu. Họ tiếp cận những bài báo nghiên cứu Khoa học và công bố quốc tế uy tín. Chúng ta hãy tự hào đã làm cầu nối để giúp bác sĩ yêu thích nghiên cứu vươn tầm thế giới. Tự hào thay dân tộc Việt Nam tham gia diễn đàn quốc tế!
Bạn sẽ hỏi mình, khi tham gia vào công ty Dược đa quốc gia, làm việc các công ty dược, vị trí gì phù hợp hay cơ hội nào cho mình ư? Chân thành – đó do ý thích, đam mê của chính mình. Thông thường, nhận việc tại các Công ty dược hay nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng, tốt nghiệp là bác sĩ và một lợi thế: bạn sẽ có cơ hội được tiếp xúc, tham gia vào bộ phận y khoa hay nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng (mà nghe có vẻ liên quan nhiều đến những gì chúng ta đã mài dũa trong 6 năm trong giảng đường đại học.)
Bên cạnh đó, không ít anh chị và các em đã tiếp tục sự nghiệp của mình ở bộ phận kinh doanh, Marketing, đào tạo (và đó cũng là cái mình đeo đuổi đến tận bây giờ). Một số bậc Anh Chị chia sẻ với mình rằng, trong những phiên họp lớp, các bạn cùng khóa nhận xét sau vài năm nhìn [những người làm Dược] chỉn chu hơn, nói năng gãy gọn hơn, không rụt rè nhút nhát như khi trình bày bệnh án ngày nào. Điều này là lẽ đương nhiên khi hàng ngày chúng ta trình bày sản phẩm với Bác sĩ, trình bày kế hoạch với công ty. Chưa dừng lại ở đó, với những vị trí cao hơn, bạn còn có cơ hội được cải thiện kỹ năng tiếng Anh của mình để trao đổi, cọ xát với các Dược sĩ, Bác sĩ quốc tế.
Với những bạn lựa chọn theo đuổi bộ phận marketing, kỹ năng lên kế hoạch tổng quan và chi tiết, làm sao “launching” một sản phẩm mới một cách ấn tượng, ý nghĩa một cách thường thấy. Tuy nhiên, vẫn sẽ có một phần thiểu số chưa thực hiện được launching phù hợp, tôn lên tiềm năng và tầm vóc của sản phẩm. Suy cho cùng, không có gì là hoàn hảo, chỉ là bạn đã đủ tâm huyết và kỹ năng để làm những việc đó hay không thôi. Và đó, là cả một quá trình rèn luyện, trau dồi, học hỏi người đi trước, nên chẳng việc gì phải tự ti cả.
Bên cạnh đó, các bộ phận luôn chung tay và hướng về mục tiêu chung, sẽ sẵn sàng hỗ trợ “lính mới.” Một ngày nào đó nhìn lại và tự hỏi từ một người nhút nhát, hôm nay mình làm việc với nhóm lớn hơn, đồng nghiệp quốc tế… Bạn vẫn có cơ hội gặp gỡ Anh Chị Bác Sĩ để lắng nghe hướng dẫn chân thành của các Bác phần nào em chưa tốt và làm cách nào em làm tốt hơn? Vẫn môi trường bệnh viện bao chàng, bao nàng khao khát ngày nào, chúng ta vẫn đang tiếp tục cống hiến, chỉ theo hướng khác mà thôi.
Vài bạn trẻ thế hệ sau hay e ngại vấn đề giao tiếp với “Boss.” Thú thật, trước đó mình cũng vậy. Tuy nhiên, nếu bạn biết lắng nghe và tiếp thu việc sếp đã giao, mâu thuẫn sẽ không bao giờ tồn tại. Thay vì lo được lo mất chị A sẽ ghét mình, anh B sẽ giận mình, bắt tay vào làm theo cách sếp đã đề xuất sẽ giúp bạn hiểu được tầm nhìn rộng của boss nhà bạn hơn, từ đó mới thấy được cái sai của mình. Theo mình, các anh chị hướng dẫn, hay Boss cấp cao chỉ muốn bạn thành công hơn, chứ chẳng ai muốn dìm bạn xuống cả. Boss cũng từng là nhân viên bình thường như bạn mà, ai lại nỡ để bạn sai rành rành mà không “khều nhẹ”, nhỉ.
Sau một thời gian 5 đến 10 năm, có đàn em nhắn tin hay đến thủ thỉ, “Chị ơi, em cảm ơn Chị vì đã truyền cảm hứng cho em, bảo ban em, gợi ý phương pháp hay hơn thay vì áp lực doanh số hàng tháng. Chị ngoài hướng dẫn công việc hàng ngày, thúc đẩy em nghĩ ra cách mới, sáng tạo hơn, kiên cường hơn, còn chia sẻ những kinh nghiệm mà đời dạy chị. Em hứa sẽ cùng nhau vượt qua những khó khăn với team và đặt mục tiêu hoài bão cao hơn!” Nếu nói không có cảm giác thành tựu là nói điêu. Không chỉ cống hiến cho ngành Dược, được chỉ bảo các thế hệ mới trong nghề cũng làm mình mát lòng mát dạ. Tuy khó đó, vì ai cũng có cái lý của mình, nhưng sau những lần tranh luận sẽ giúp chị em hiểu cách tiếp cận thông tin của từng cá thể hơn. Người mới cũng giống như trẻ nhỏ vậy, lập luận chính đáng thì họ sẽ nhận sai và chỉnh sửa cho sản phẩm sau. Làm trong nghề lâu năm, hạnh phúc không chỉ còn vỏn vẹn trong tiền tài hay khát khao được giúp đỡ bệnh nhân, mà nằm ở sự thành công của những em út khác. Những lúc đó mình thường nghĩ, “Thế là ngành Dược nước nhà lại có thêm một nhân tài tiềm năng rồi!”
Tất cả những khóa học mà “boss” của bạn đã đề xuất đều nhằm bồi dưỡng kiến thức bạn đang có một cách khoa học nhất. Học mà vui, học để làm, học để không xa rời thế giới hiện đại được công ty hỗ trợ bạn hoàn toàn. Hãy ghi mơ ước của mình vào PDP (Personal Development Plan) (Kế hoạch phát triển bản thân) hay chia sẻ với Anh Chị quản lý, chắc chắn bạn được ủng hộ.
Có vài ý kiến cho rằng, Bác Sĩ theo ngành Dược vì lý do tài chính. Điều này chỉ đúng một phần thôi.Điều quan trọng nhất có lẽ là đam mê.
Con gái lớn mình trước bị móm, phải đi nha sĩ một thời gian dài để chỉnh nha. Mình cũng lén lén “phổ cập nghề nghiệp,” hỏi dò xem con có thích ngành nha không, vì Mẹ thấy Nha cũng là ngành tiềm năng. Những tưởng con sẽ dành vài ngày tìm hiểu, nó khôn lanh “đáp trả”: “Nếu con phải dành hết mấy mươi năm cuộc đời để soi mói răng người khác, nhìn lưỡi, nhìn enzyme hay dịch miệng người khác, con chẳng muốn làm đâu!” Thật vậy, dù bất kì ngành nghề nào, nếu không thực sự đam mê, ai cũng sẽ dễ nản lòng, dễ bỏ nghề, bỏ công sức mà thanh xuân đã dùi mài kinh sử cho mớ kiến thức đó. Nếu bản thân không hứng thú trong việc giúp đỡ bệnh nhân, thì cả Y hay Dược, mình cũng chẳng có năng lượng để làm, để đeo đuổi đến giờ này. Nên thay vì hỏi ngành Y và ngành Dược, ngành nào tốt hơn, hãy tự hỏi bản thân mình có thật sự sẵn sàng cống hiến cho Y dược cả đời không đã. Nếu đã yêu thích rồi, thì quyết tâm cũng sẽ cao hơn. Đừng thay đổi vì số đông, hay vì ý muốn của người khác. Y và Dược, như mình đã nói, đều liên quan trực tiếp đến sức khỏe bệnh nhân, và đều đáng được tôn vinh. Nếu điều kiện và khả năng cho phép, hãy cố gắng đeo đuổi ngành mà bạn nghĩ bạn có thể làm cả đời, phấn đấu vì nó cả đời. Tuy rằng sẽ có lúc bạn phải rẽ ngang thay vì đi con đường mình đã chọn, song đó đều là duyên số cả. Đôi khi dấn thân vào, bạn lại nhận ra mình còn thích hơn cả công việc mà mình “nhắm” trước đó sẽ làm. Mình tin nếu đủ quyết tâm và cố gắng, thì bất kì ngành nghề nào nếu bạn đã “bồ kết” rồi, thành công là không xa!
Ngẫu hứng một chiều cuối tuần, chia sẻ với các bạn trước khi tốt nghiệp hay đã theo nghiệp Y nhưng đang muốn thay đổi. Một điều khẳng định rằng không nghề nào tốt hơn nghề nào hay vị trí nào, tất cả là cơ duyên và chọn lựa của chính chúng ta. Ngay cả khi chọn lựa ban đầu sau một thời gian, chúng ta cảm thấy không phù hợp, vạch ra phương án khác hay thay đổi phương án cũng là một giải pháp tốt. Không có gì sai hay đúng tuyệt đối cả, Phù hợp là một trong những kim chỉ nam. Hãy làm cuộc sống đơn giản, thực hiện đam mê ước mơ tròn trịa, sẵn sàng hy sinh, chân thành thì dù làm Bác Sĩ hay công tác tại các công ty Dược đa quốc gia đều giúp bạn thành công, hay đơn giản là hài lòng: tất cả đều vì sức khỏe của người bệnh.