Nhân lực là yếu tố quyết định đến thành công và tiến bộ của mỗi quốc gia, trong đó trình độ phát triển nguồn nhân lực là thước đo chủ yếu đánh giá mức độ tiến bộ xã hội, công bằng và phát triển bền vững. Trong chiến lược phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn 2011 – 2020, Việt Nam khẳng định nâng cao chất lượng nguồn nhân lực là khâu đột phá của quá trình chuyển đổi mô hình phát triển kinh tế – xã hội của đất nước; đồng thời là nền tảng phát triển bền vững và gia tăng lợi thế cạnh tranh quốc gia trong quá trình hội nhập.
Để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, cần phải xây dựng tầm nhìn chiến lược phát triển tổng thể và dài hạn, mang tầm quốc gia.
1. Đặc điểm nguồn nhân lực Việt Nam
Dân số: Theo kết quả tổng điều tra dân số năm 2019, tổng số dân của Việt Nam là 96.208.984 người, trong đó, dân số nam là 47.881.061 người, chiếm 49,8% và dân số nữ là 48.327.923 người, chiếm 50,2%. Việt Nam là quốc gia đông dân thứ ba trong khu vực Đông Nam Á (sau In-đô-nê-xi-a và Phi-li-pin) và thứ 15 trên thế giới . Dân số phân bố không đều và có sự khác biệt lớn theo vùng. Dân cư Việt Nam phần đông tập trung nông thôn, chiếm 65,6% dân số. Trình độ học vấn của dân cư ở mức khá; tuổi thọ trung bình là 73,6 tuổi; trong đó, tuổi thọ của nam giới là 71,0 tuổi, của nữ giới là 76,3 tuổi.
Lao động: Lực lượng lao động trung bình cả nước năm 2020 là 54,84 triệu người, giảm so với năm trước 924 nghìn người. Lực lượng lao động bao gồm 53,6 triệu người có việc làm và hơn 1,2 triệu người thất nghiệp. Lực lượng lao động của khu vực nông thôn chiếm 66,9%. . Tỷ lệ tham gia lực lượng lao động của dân số khu vực nông thôn (80,1%) cao hơn khu vực thành thị (65,0%). Tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động (nam từ 15-59 tuổi và nữ từ 15-54 tuổi) của Việt Nam năm 2020 là 2,48%, trong đó ở khu vực thành thị là 3,89%, khu vực nông thôn là 1,75%.
Năng suất lao động: có xu hướng ngày càng tăng nhưng vẫn còn rất thấp so với các nước trong khu vực: Theo số liệu thống kê mà Bộ Kế hoạch – Đầu tư năm 2019, năng suất lao động của Việt Nam chỉ bằng 7,6% mức năng suất của Singapore; 19,5% của Malaysia; 37,9% của Thái Lan; 45,6% của Indonesia; 56,9% của Philippines, 68,9% của Brunei. So với Myanmar, Việt Nam chỉ bằng 90% và chỉ bằng 88,7% Lào. Trong khu vực Đông Nam Á, năng suất lao động của Việt Nam chỉ cao hơn Campuchia.
Đào tạo: Tỷ trọng lực lượng lao động đã qua đào tạo ở nước ta vẫn còn thấp. Trong tổng số 54,82 triệu người từ 15 tuổi trở lên thuộc lực lượng lao động của cả nước, chỉ có khoảng 13,2 triệu người đã được đào tạo, chiếm khoảng 24,0% tổng lực lượng lao động. Hiện cả nước có hơn 41,6 triệu người (chiếm khoảng 76,0 % lực lượng lao động) chưa được đào tạo để đạt một trình độ chuyên môn kỹ thuật (CMKT) nhất định. Như vậy, nguồn nhân lực của nước ta trẻ và dồi dào nhưng trình độ tay nghề và chuyên môn kỹ thuật còn thấp. Tỷ lệ lao động đã qua đào tạo cao nhất ở vùng Đồng bằng sông Hồng (32,6%) và thấp nhất là ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long (14,9%). Tỷ trọng lực lượng lao động có trình độ đại học trở lên khác nhau đáng kể giữa các vùng, cao nhất là vùng Đông Nam Bộ (16,2%), thấp nhất là Đồng bằng sông Cửu Long (6,8%). Ở hai thành phố lớn nhất cả nước, Hà Nội có tỷ lệ lao động đã qua đào tạo cao hơn Thành phố Hồ Chí Minh (tương ứng 44,8% và 38,7%).
Sử dụng nhân lực: Nhóm những người có trình độ cao đẳng và đại học trở lên có tỷ lệ thất nghiệp cao nhất, tương ứng là (6,07% và 4,26%) và những người chưa từng đi học và chưa tốt nghiệp Tiểu học có tỷ lệ thấp nhất (1,35% và 1,67%). Có hiện trạng này là do nhóm lao động có trình độ chuyên môn thấp thường sẵn sàng làm các công việc không đòi hỏi chuyên môn cao với mức lương thấp trong khi những người có trình độ học vấn cao lại cố gắng tìm kiếm công việc với mức thu nhập phù hợp hơn. Ngoài ra, chính sách tuyển lao động của các nhà tuyển dụng cũng ảnh hưởng đến tỷ lệ này, bởi yêu cầu đối với lao động đã qua đào tạo ở các trình độ càng cao càng khắt khe hơn so với lao động giản đơn và cũng do nhóm lao động đã qua đào tạo thường có yêu cầu về mức thu nhập cao hơn nhóm lao động giản đơn. Điều này phần nào phản ánh chất lượng việc làm của thị trường lao động Việt Nam hiện vẫn còn thấp, chưa đáp ứng được nhu cầu của người lao động có trình độ CMKT cao.
2. Một số hạn chế của nguồn nhân lực Việt Nam
Thứ nhất, thể chất của lực lượng lao động còn yếu: Về cơ bản, thể chất của người lao động Việt Nam đã được cải thiện, nhưng còn thấp so với các nước trong khu vực, thể hiện ở các khía cạnh tầm vóc, sức khoẻ, sức bền, khả năng chịu áp lực…
Thứ hai, trình độ của người lao động còn nhiều hạn chế, bất cập, do chất lượng đào tạo, cơ cấu theo ngành nghề, lĩnh vực, sự phân bố theo vùng, miền, địa phương của nguồn nhân lực chưa phù hợp với sự phát triển của nền kinh tế và nhu cầu của xã hội, gây lãng phí nguồn lực của Nhà nước và xã hội.
Thứ ba, thiếu đội ngũ công nhân, kỹ thuật viên lành nghề để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của xã hội phát triển các ngành kinh tế chủ lực của Việt Nam.
Thứ tư, về cơ bản đội ngũ lao động Việt Nam giỏi lý thuyết, nhưng kém về năng lực thực hành và ứng dụng công nghệ cao vào quá trình lao động, kém về ngoại ngữ và hạn chế trong việc thích nghi môi trường có áp lực cạnh tranh cao.
Thứ năm, khả năng làm việc theo nhóm, tính sáng tạo, chuyên nghiệp trong quá trình lao động còn nhiều hạn chế, khả năng giao tiếp, năng lực giải quyết xung đột trong quá trình lao động còn yếu kém.
Thứ sáu, tinh thần trách nhiệm trong công việc, đạo đức nghề nghiệp, đạo đức công dân, văn hoá doanh nghiệp, ý thức tuân thủ kỷ luật lao động của một bộ phận đáng kể người lao động chưa cao.
3. Nguyên nhân của những hạn chế
Một là, quản lý Nhà nước về nâng cao chất lượng nguồn nhân lực còn nhiều vấn đề bất cập so với yêu cầu. Chưa có một chiến lược phát triển nguồn nhân lực toàn diện và dài hạn, mang tầm quốc gia để định hướng các cơ quan, đoàn thể cùng phố hợp hành động.
Hai là, hệ thống giáo dục từ cấp phổ thông, đến đào tạo nghề, đại học, sau đại học là lực lượng nòng cốt trong quá trình đào tạo và phát triển nguồn nhân lực còn bộc lộ nhiều hạn chế, dù đã trải qua rất nhiều cải cách, đổi mới.
Ba là, quá trình hợp tác và hội nhập quốc tế trong lĩnh vực phát triển nguồn nhân lực chưa theo kịp quá trình hội nhập kinh tế, văn hoá, xã hội ngày càng sâu rộng của Việt nam. Hệ thống giáo dục chưa bắt kịp với mô hình hệ thống giáo dục và đào tạo nhân lực phổ biến của các nước trong khu vực và thế giới. Đào tạo ngoại ngữ của Việt Nam còn nặng tính hình thức, lý thuyết nhưng lại yếu kém trong thực hành.
Bốn là, nguồn lực quốc gia và khả năng đầu tư cho phát triển nhân lực của phần lớn các gia đình còn hạn chế, chưa đáp ứng điều kiện tối thiểu để bảo đảm chất lượng các hoạt động giáo dục, y tế, văn hoá, thể dục thể thao.
4. Giải pháp phát triển nguồn nhân lực trong thời gian tới
Thứ nhất, nâng cao nhận thức về vai trò của phát triển nhân lực chất lượng cao của người dân, phát triển đội ngũ chuyên gia về công tác hướng nghiệp…
Thứ hai, hoàn thiện hệ thống giáo dục theo hướng mở, hội nhập, đổi mới nội dung, chương trình, phương pháp, hình thức đào tạo theo hướng hiện đại, phù hợp với nhu cầu nguồn nhân lực chất lượng cao của đất nước; Đổi mới đào tạo gắn với nhu cầu việc làm của DN và xã hội; Đổi mới chương trình học ở các cấp đào tạo theo hướng phát huy tư duy sáng tạo, năng lực tự học, tự nghiên cứu, tăng thời gian thực hành; Đào tạo tập trung vào những nội dung, kỹ năng mà doanh nghiệp và xã hội cần có ở người lao động.
Thứ ba, khuyến khích các cơ sở đào tạo và DN chủ động hợp tác và phối hợp tạo ra nguồn nhân lực chất lượng cao theo ngành nghề khác nhau của xã hội. Các cơ sở đào tạo cần tăng cường liên kết, hợp tác với các DN về nghiên cứu khoa học ứng dụng vào hoạt động sản xuất kinh doanh; phối hợp với các trung tâm việc làm, để đưa ra những dự báo chính xác, kịp thời nhu cầu nhân lực chất lượng cao.
> Tham khảo đề án nâng cao chất lượng nguồn nhân lực ngành y tế
Thứ tư, nâng cao tinh thần tự nghiên cứu, trau dồi kiến thức, kỹ năng, trình độ của giảng viên…
Thứ năm, tăng cường hợp tác quốc tế nhằm gia tăng hiệu quả đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Xây dựng cơ sở giáo dục tiên tiến, tiêu chuẩn quốc tế, phù hợp giữa đào tạo của Việt Nam với đào tạo các nước trong khu vực và thế giới.
Thứ sáu, hoàn thiện các chính sách hỗ trợ chi phí cho hoạt động của các cơ sở đào tạo, người giảng dạy và học sinh, sinh viên tham gia đào tạo…Nguồn lực con người là nhân tố quyết định thắng lợi công cuộc công nghiệp hoá, hiện đại hoá nước và hội nhập quốc tế. Chính vì vậy, nâng cao chất lượng dân số và phát triển nhân lực chất lượng cao là một trong những trọng điểm và là ưu tiên hàng đầu trong chiến lược phát triển kinh tế-xã hội của Đảng và Nhà nước.
Tóm lại, trong điều kiện đẩy mạnh công nghiệp hoá và hội nhập quốc tế, phát triển nhân lực được coi là một trong ba khâu đột phá của chiến lược chuyển đổi mô hình phát triển kinh tế – xã hội của đất nước; đồng thời, trở thành nền tảng phát triển bền vững và tăng lợi thế cạnh tranh quốc gia.
Để bắt kịp với tiến trình hội nhập, vấn đề nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết. Đề cập tới thực trạng và chất lượng đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao hiện nay, bài viết đề xuất một số ý kiến nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của Việt Nam trong hội nhập quốc tế.
Bài viết đề xuất khái niệm chất lượng nguồn nhân lực