Đánh giá nguồn nhân lực là một trong số những vấn đề quan trọng trong phát triển nguồn nhân lực. Tại sao việc đánh giá nguồn nhân lực lại quan trọng? Các tiêu chí đánh giá chất lượng nguồn nhân lực nào là hiệu quả nhất? Hãy cùng IRDM tìm hiểu ngay tại bài viết dưới đây.
1. Tại sao cần đánh giá nguồn nhân lực?
Nguồn nhân lực là một trong những yếu tố quan trọng quyết định sự thành công hay không thành công trong phát triển kinh tế – xã hội của quốc gia, do vậy tất cả các nước trên thế giới đều quan tâm đến phát triển nguồn nhân lực.
Đánh giá nguồn nhân lực là quá trình nghiên cứu, phân tích và so sánh giữa tiêu chuẩn đã đề ra với kết quả công việc thực hiện của nhân viên trong một thời gian nhất định.
Việc đánh giá năng lực nhân viên nằm trong các chuỗi hoạt động nhằm thu hút, duy trì và phát triển nguồn nhân lực được bao gồm trong một hệ thống quản lý và phát triển nguồn nhân lực dài hơi. Hệ thống này cần phải được xây dựng thật chi tiết, khoa học và phù hợp với mô hình và văn hóa của doanh nghiệp mới đảm bảo tính hiệu quả. Nhờ nó mà người làm công tác quản lý tránh được các vấn đề như nguồn nhân lực cạn kiệt, tinh thần sa sút, sắp xếp nhân sự không hợp lý dẫn đến năng suất thấp, chi phí cao, chất lượng sản phẩm kém.
Trong báo cáo của Liên hợp quốc đánh giá về những tác động của toàn cầu hoá đối với nguồn nhân lực đã đưa ra định nghĩa nguồn nhân lực là trình độ lành nghề, kiến thức và năng lực thực có thực tế cùng với những năng lực tồn tại dưới dạng tiềm năng của con người. Trong quan niệm này, điểm được đánh giá cao là coi các tiềm năng của con người cũng là năng lực khả năng để từ đó có những cơ chế thích hợp trong quản lý, sử dụng.
Để phát triển nguồn nhân lực cần thực hiện nhiều biện pháp khác nhau trong đó có việc nghiên cứu đánh giá nguồn nhân lực với các nội dung như chất lượng, cơ cấu, kết quả lao động v.v. tuỳ theo mục đích, yêu cầu mà việc đánh giá phải đáp ứng.
2. Các tiêu chí đánh giá chất lượng nguồn nhân lực
Theo phương pháp quản lý nguồn nhân lực mới, lấy con người làm trung tâm thì để đánh giá nguồn nhân lực các nhà quản lý dựa trên hệ các chỉ số như:
2.1. Chỉ số mục tiêu
Mục tiêu, mức độ đạt được mục tiêu của tổ chức cũng như của các cá nhân thành viên của tổ chức và các biện pháp, cách thức đã thực hiện để đạt mục tiêu đề ra. Chỉ số này được các nhà khoa học gọi là chỉ số mục tiêu (index of objective point). Theo chỉ số này các tổ chức phải đặt ra mục tiêu phát triển và mỗi cá nhân trong tổ chức cũng đặt ra mục tiêu phát triển và thực hiện để trên cơ sở đó thực hiện việc đánh giá.
Ở cấp độ tổ chức, giới điều hành chịu trách nhiệm thiết kế chiến lược tổng quát, thiết lập hệ thống phát triển nguồn nhân lực để quản trị và đạt được các mục tiêu đã xác định. Tiếp theo, giới quản trị và nhân viên sẽ hoạch định một số cấp độ và lộ trình trong quá trình phát triển đó.
Nhu cầu phát triển của tổ chức có thể được xác định từ việc hoạch định nguồn nhân lực. Thông qua dự báo nhu cầu và nguồn cung nhân lực cho tổ chức trong tương lai, hoạt động này giúp xác định các năng lực cần thiết của tổ chức và cá nhân. Nhân viên cùng với nhà quản trị, với kinh nghiệm và năng lực thích hợp, sẽ nâng cao năng lực cạnh tranh và giúp tổ chức thích ứng với môi trường cạnh tranh luôn thay đổi.
2.2. Chỉ số công việc
Chỉ số công việc (index of job). Chỉ số này được hình thành trên cơ sở sự phân tích công việc (job analysis) theo đó có bảng mô tả công việc với các chỉ số căn bản như nhiệm vụ (task), chức trách (responsibility), yêu cầu của công việc (demand of job). Khi đánh giá nguồn nhân lực, nhà quản lý sẽ sử dụng các chỉ số để đánh giá mức độ hoàn thành công việc của nhân viên từ đó đưa ra kết luận.
Đánh giá hiệu quả công việc là hoạt động thúc đẩy nhân viên nỗ lực trong công việc. Đồng thời cũng là cơ sở để nhà quản lý đưa ra các chế độ phù hợp với nhân viên. Các hoạt động đánh giá hiệu quả công việc giúp nhà quản lý nắm được mức độ hoàn thành nhiệm vụ của nhân viên. Họ cũng có thể xác định xem đâu là người cần được cải thiện, đâu là điểm mạnh, điểm yếu của mỗi cá nhân để có phương án khắc phục.
2.3. Chỉ số bổ sung
Chỉ số bổ sung (additional index). Các chỉ số này bao gồm tinh thần trách nhiệm, tính chấp hành kỷ luật, phong cách hành động.v.v… nói chung so với các chỉ số mục tiêu và công việc thì các chỉ số này tình xác định hạn chế hơn do vậy chúng được xếp vào hệ các chỉ số bổ sung.
Tinh thần trách nhiệm trong công việc là một trong những nguyên tắc làm việc cơ bản phải có nếu muốn thành công trong sự nghiệp. Vì tinh thần trách nhiệm là thái độ làm việc đúng đắn giúp mọi người đạt được các lợi ích không chỉ riêng mỗi cá nhân mà còn giúp xây dựng đội ngũ làm việc tích cực và hiệu quả
Ngày nay, nền kinh tế đang dần chuyển đổi sang nền kinh tế tri thức. Điều này đòi hỏi vai trò của nguồn nhân lực ngày càng chiếm vị trí quan trọng trong doanh nghiệp. Việc đánh giá nguồn nhân lực đúng đắn sẽ xây dựng nên một lộ trình rõ ràng và tạo nên các giá trị hữu ích nhất cho các chiến lược của doanh nghiệp.