Sự tồn tại và phát triển của một doanh nghiệp phụ thuộc đến 80% vào việc sử dụng hiệu quả các nguồn lực như: vốn, cơ sở vật chất, tiến bộ khoa học kĩ thuật và người lao động… Trong đó yếu tố con người nắm giữ vai trò then chốt. Sau đây IRDM sẽ cung cấp đến bạn các nhân tố ảnh hưởng đến chất lượng nguồn nhân lực để giúp bạn có thể khai thác triệt để yếu tố này cho doanh nghiệp nhé!
1. Môi trường bên trong
1.1 Mục tiêu của doanh nghiệp
Trước sự phát triển của xã hội, mỗi DN cần có mục tiêu riêng phù hợp theo từng thời kỳ và phải hiểu rõ được những mục tiêu đó. Để đạt được những mục tiêu đề ra cần thay đổi và cải thiện các phương pháp quản lý, tiếp cận thị trường, nghiên cứu thực tế,… Tất cả các bộ phận của công ty đều cần dựa vào những định hướng của công ty để đưa ra các mục tiêu riêng của mỗi phòng ban, bộ phận riêng nhưng vẫn cần có sự phối hợp thống nhất với tổng thể DN. Đặc biệt, DN cần đầu tư nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, vật lực, bằng cách hiện đại hóa các trang thiết bị, tập trung đầu tư đào tạo nhân lực chất lượng cao phù hợp nhu cầu của DN.
Tham khảo: Chất lượng nguồn nhân lực là gì
1.2. Văn hóa công ty
Văn hoá doanh nghiệp là toàn bộ giá trị văn hoá được gây dựng nên trong suốt quá trình tồn tại và phát triển của một doanh nghiệp, từ đó trở thành quy tắc, tập quán quen thuộc ăn sâu vào hoạt động của doanh nghiệp đồng thời chi phối tình cảm, cách suy nghĩ và hành vi của mọi thành viên của doanh nghiệp trong việc theo đuổi và thực hiện các mục đích.
Văn hoá doanh nghiệp được xây dựng dựa trên hai yếu tố: định hướng, chiến lược của công ty (sứ mệnh, tầm nhìn) và những giá trị mà công ty đang có (giá trị doanh nghiệp). Văn hóa doanh nghiệp chi phối các mối quan hệ, thái độ và hành vi ứng xử của tất cả các thành viên trong tổ chức, phản ánh quá khứ và định hình tương lai cho tổ chức.
Các yếu tố như văn hóa xã hội, chiến lược và chính sách của DN, phong cách của lãnh đạo… đều là những yếu tố ảnh hưởng đến sự hình thành văn hóa doanh nghiệp. Đặc biệt vai trò của quản trị nguồn nhân lực trong DN là yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến bầu không khí văn hóa của công ty, và quy định sự phát triển văn hóa tổ chức, đồng thời văn hóa tổ chức cũng ảnh hưởng đến công tác quản trị của DN đó.
2. MÔI TRƯỜNG BÊN NGOÀI
2.1. Yếu tố kinh tế
Hoạt động của một đơn vị doanh nghiệp hay bất kỳ tổ chức nào cũng chịu ảnh hưởng của sự thay đổi của nền kinh tế bên ngoài, đem lại những yêu cầu thay đổi nhất định trong công tác quản trị nguồn nhân lực của doanh nghiệp như là cần có những chính sách và chiến lược mới cho công ty để đảm bảo bắt kịp với yêu cầu của nền kinh tế mới, đặc biệt khi xã hội đang trong giai đoạn toàn cầu hóa thì thách thức của doanh nghiệp càng lớn và yếu tố lớn đầu tiên cần phát triển đó là quản trị nguồn nhân lực, cho dù vào bất kỳ hoàn cảnh nào thì doanh nghiệp cũng cần duy trì được nguồn nhân lực chất lượng cao, lực lượng lao động có tay nghề, có trình độ, đảm bảo giúp doanh nghiệp vượt qua các thách thức hay khó khăn mà nền kinh tế bên ngoài mang lại, nắm bắt cơ hội phát triển lớn mạnh.
2.2. Yếu tố công nghệ
Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra một cách mạnh mẽ, mang đến sự tiến bộ nhanh chóng của khoa học kỹ thuật, công nghệ làm tăng áp lực cạnh tranh giữa các doanh nghiệp. Điều này mang đến yêu cầu các doanh nghiệp phải có đầu tư phù hợp cho việc cải tiến và đổi mới kỹ thuật, công nghệ để tăng chất lượng và hạ giá thành sản phẩm cùng với đó là nguồn nhân lực và lao động có trình độ mới có thể đảm bảo khả năng vận hành hệ thống công nghệ kỹ thuật một cách tối ưu, tận dụng hết công suất của máy móc phục vụ sản xuất, đảm bảo hoạt động của doanh nghiệp.
Đề xuất: Giải pháp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực ngành y tế
2.3. Yếu tố chính trị
Ở Việt Nam, Luật lao động được ban hành nhằm quản lý, chi phối mối quan hệ lao động trong tất cả các doanh nghiệp nhà nước và các hình thức sở hữu khác. Một doanh nghiệp tồn tại luôn cần đảm bảo hoạt động theo luật pháp. Luật pháp có ảnh hưởng to lớn và trực tiếp đối với các hoạt động và công tác quản trị nguôn nhân lực của công ty. Hệ thống luật pháp yêu cầu các DN buộc phải quan tâm đến quyền lợi của nhân viên và môi trường sinh thái.
2.4. Yếu tố văn hóa xã hội
Việc nắm bắt các sự thay đổi của văn hóa xã hội: nhân khẩu, tốc độ tăng dân số, cơ cấu dân số, quan điểm sống, quan điểm về thẩm mỹ, các giá trị, chuẩn mực đạo đức… sẽ giúp doanh nghiệp có sự thích ứng nhanh chóng với những yêu cầu của khách hàng, đưa ra các hoạt động sản xuất hoặc marketing phù hợp. Ví dụ, sự già hóa dân số sẽ tạo cơ hội cho các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ y tế, dưỡng lão…
Văn hóa xã hội ảnh hưởng rất lớn đến công tác quản trị nhân lực. Trình độ học vấn của dân số được nâng cao sẽ có thể làm tăng chất lượng nguồn nhân lực, một trong những yếu tố tạo nên lợi thế về năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp khi tham gia hoạt động trên thị trường quốc tế. Cấu trúc của công ty cũng chịu ảnh hưởng của sự thay đổi của nên văn hóa xã hội, lối sống của người dân.
Tìm hiểu thêm: Cơ cấu trình độ nguồn nhân lực của việt nam
3. Nhân tố con người
Con người chính là nhân tố đảm bảo cho sự phát triển thịnh vượng và bền vững của doanh nghiệp. Chính vì hiểu rõ giá trị con người trong sự thành bại của doanh nghiệp nê đa phần doanh nghiệp Nhật Bản đều có một điểm chung về triết lý kinh doanh tập trung đầu tư và quản lý con người, nhấn mạnh 4 quy trình: Chia sẻ/đồng cảm triết lý với nhân viên (tại sao chúng ta làm việc? tại sao chúng ta sống?); chia sẻ tình hình hiện hành của công ty với nhân viên, làm rõ mục tiêu, phân công vai trò; khuyến khích những nhân viên có ý thức tự lập cao; đánh giá đúng những nhân viên có ý thức cao. Ban quản trị nhân sự phải nghiên cứu kỹ, hiểu rõ những vấn đề của nhân viên trong doanh nghiệp của mình để đưa ra các biện pháp quản trị phù hợp nhất.
3.1 Đội ngũ quản trị
Bất kỳ doanh nghiệp nào cũng cần có đội ngũ quản trị riêng để đề các chính sách đường lối, phương hướng cho sự phát triển của doanh nghiệp. Điều này đòi hỏi các nhà quản trị phải có trình độ chuyên môn cao, tư duy phát triển, có tầm nhìn, có sự am hiểu, phong cách giao tiếp,… và có đầy đủ những phẩm chất cần thiết của nhà lãnh đạo; đồng thời, phải biết lựa chọn những cách thức quản lý phù hợp để có thể đưa ra các định hướng phù hợp cho doanh nghiệp.
Bất cứ hành động nào của đội ngũ quản trị cũng ảnh hưởng đến bầu không khí, văn hóa công ty, do đó, nhà quản trị cần tạo ra bầu không khí thân mật, cởi mở trong doanh nghiệp, khích lệ và tạo ảnh hưởng đến hành vi ứng xử của nhân viên, phải làm cho nhân viên tự hào về doanh nghiệp, có tinh thần trách nhiệm với công việc của mình, đồng thời cũng phải đảm bảo đời sống cho toàn bộ nhân viên, tạo ra các cơ hội để nhân viên làm việc tích cực và có cơ hội thăng tiến, đảm bảo chất lượng cuộc sống riêng của mỗi người.
3.2 Tập thể nhân viên
Sự phát triển của khoa học- kỹ thuật đòi hỏi doanh nghiệp thực hiện công tác đào tạo giúp cho doanh nghiệp nâng cao chất lượng nhân viên và phân loại rõ hơn vai trò của từng nhân viên trong công ty. Việc tập trung vào đào tạo nhân viên, phát triển nguồn nhân lực giúp cho doanh nghiệp tiết kiệm được thời gian, chi phí tuyển dụng và đào tạo nhân viên mới có năng lực tương đương, ngoài ra còn giúp cho đội ngũ nhân viên có sự gắn bó, liên kết với nhau, xây dựng văn hóa công ty cởi mở, hình thành một môi trường tập thể vững mạnh.
Nhiệm vụ của công tác nhân sự trong doanh nghiệp là phải nắm được những thay đổi về yêu cấu và chất lượng đời sống nhân viên ngoài xã hội để đảm bảo sự phù hợp, tương xứng với những gì nhân viên đã mang lại cho doanh nghiệp, làm cho nhân viên cảm thấy thoả mãn, hài lòng, gắn bó. Doanh nghiệp cần chú trọng đến tiền lương – là thu nhập chính của người lao động, nó tác động trực tiếp đến người lao động. Vì vậy vấn đề tiền lương rất thu hút sự chú ý của tất cả mọi người, nó vừa là động lực để người nhân viên làm việc vừa và là công cụ để thu hút lao động có trình độ.
Thông qua bài viết vừa rồi, hy vọng bạn đã có cái nhìn khái quát và toàn diện hơn về khía cạnh con người trong doanh nghiệp. Chắc chắn việc nắm rõ các nhân tố ảnh hưởng đến chất lượng nguồn nhân lực sẽ mang đến cho bạn một chiến lược hiệu quả để giúp phát triển doanh nghiệp một cách mạnh mẽ hơn.