Tăng cường nâng cao chất lượng nguồn nhân lực ngành y tế nhằm giảm tải cho bệnh viện tuyến trên là một trong các ưu tiên hàng đầu. Để thực hiện mục tiêu này, trong thời gian qua Bộ Y tế đã triển khai các hoạt động tăng cường quản lý giáo dục và đào tạo nhân lực y tế và chỉ đạo triển khai các hoạt động đào tạo, bồi dưỡng cán bộ y tế.
Hiện nay, cả nước có gần 200 cơ sở đào tạo nhân lực y tế ở tất cả các trình độ. Trong đó, có gần 30 cơ sở đào tạo chuyên ngành Y khoa và trên 30 cơ sở đào tạo chuyên ngành Dược trình độ ĐH; trên 100 cơ sở giáo dục nghề nghiệp có đào tạo khối ngành sức khoẻ trình độ trung cấp và CĐ.
Để tiếp tục nâng cao chất lượng nguồn nhân lực y tế, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao trong công tác bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe nhân dân, nhiều chủ trương, chính sách về đào tạo nhân lực y tế đã và đang được xây dựng và hoàn thiện. Tuy nhiên, vấn đề đổi mới, đào tạo nhân lực y tế vẫn là một quá trình lâu dài, cần sự chỉ đạo thống nhất của cơ quan quản lý cũng như sự tham gia tích cực của cả hệ thống đào tạo nhân lực y tế.
HOÀN THIỆN HỆ THỐNG VĂN BẢN BẢO ĐẢM CHẤT LƯỢNG ĐÀO TẠO
Thời gian qua, Bộ Y tế đã đẩy mạnh công tác quản lý, đào tạo, phối hợp chặt chẽ với Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội và các đơn vị liên quan xây dựng và trình các cấp có thẩm quyền ban hành các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến đào tạo nhân lực y tế nhằm hoàn thiện hệ thống văn bản quản lý để bảo đảm chất lượng đào tạo.
Hiện nay, Bộ Y tế đang xây dựng các quy định về̀ đào tạo bằng cấp chuyên khoa và mã cho các bằng chuyên khoa cho các loại hình nhân lực y tế; các chuẩn năng lực cơ bản cho từng loại hình nhân lực y tế, để làm cơ sở cho các cơ sở đào tạo xây dựng chương trình đào tạo và làm cơ sở để đánh giá năng lực nhân lực y tế.
Bộ Y tế cũng đang cùng các cơ sở đào tạo nhân lực y tế triển khai chuẩn hóa mô hình đào tạo phù hợp với khung trình độ quốc gia và hội nhập quốc tế, đổi mới chương trình đào tạo theo hướng dựa trên năng lực. Đồng thời, xây dựng dự thảo đề án thành lập Hội đồng Y khoa quốc gia.
Một trong các nhiệm vụ quan trọng của Hội đồng là nghiên cứu đề xuất tổ chức kỳ thi quốc gia kiểm tra năng lực người hành nghề khám chữa bệnh trước khi cấp chứng chỉ hành nghề. Đồng thời Bộ Y tế cũng đang đề xuất sửa đổi Luật khám, chữa bệnh và đưa vào nội dung thi cấp chứng chỉ hành nghề.
Tham khảo: các yếu tố ảnh hưởng đến chất lượng nguồn nhân lực
HỖ TRỢ TRỰC TIẾP, NÂNG CAO NĂNG LỰC CHO NHÂN LỰC Y TẾ
Để giảm áp lực cho các bệnh viện tuyến trên góp phần nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe nhân dân, từ năm 2008 Bộ Y tế đã xây dựng Đề án 1816, thực hiện chế độ luân phiên có thời hạn đối với người hành nghề tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh công lập. Ngày 09/01/2013 Thủ tưởng Chính phủ đã có Quyết định số 92/QĐ-TTg phê duyệt Đề án Giảm quá tải bệnh viện. Trên cơ sở đó, Bộ Y tế đã xây dựng và phê duyệt Đề án Bệnh viện vệ tinh.
Giai đoạn đầu của Đề án, Bộ Y tế đã giao cho 14 bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế và trực thuộc Sở Y tế thành phố Hồ Chí Minh làm bệnh viện hạt nhân cho 46 bệnh viện vệ tinh ở 38 tỉnh, thành phố tập trung vào 5 chuyên ngành đang quá tải trầm trọng là: tim mạch, ung bướu, ngoại chấn thương, sản, nhi. Đến nay hệ thống bệnh viện vệ tinh này đã có 21 bệnh viện hạt nhân và 119 bệnh viện vệ tinh tại 63 tỉnh, thành trên toàn quốc. Trên cơ sở các kỹ thuật cần chuyển giao cho tuyến dưới các bệnh viện tuyến trên xây dựng chương trình đào tạo, chương trình chi tiết và Tài liệu đào tạo, tổ chức triển khai đào tạo theo quy định.
Bộ Y tế đã ban hành Quyết định 2628/QĐ-BYT ngày 22/6/2020 phê duyệt Đề án Khám, chữa bệnh từ xa giai đoạn 2020-2025. Đề án hướng đến mục tiêu mọi người dân đều được quản lý, tư vấn, khám bệnh, chữa bệnh, hỗ trợ chuyên môn của các bác sĩ từ tuyến xã đến tuyến Trung ương; người dân được sử dụng dịch vụ y tế có chất lượng của tuyến trên ngay tại cơ sở y tế tuyến dưới. Các cơ sở y tế được hỗ trợ chuyên môn thường kỳ và đột xuất từ các bệnh viện tuyến cuối dựa trên nền tảng công nghệ thông tin; góp phần giảm quá tải bệnh viện tuyến trên, nâng cao chất lượng, hiệu quả khám, chữa bệnh và sự hài lòng của người dân.
Phương án phát triển nguồn nhân lực việt nam
TĂNG CƯỜNG NGUỒN NHÂN LỰC Y TẾ
Trong thời gian qua Bộ Y tế đã có những chính sách quan tâm tăng cường nguồn nhân lực y tế, cụ thể:
Một là, triển khai thực hiện Quyết định số 2348/QĐ-TTg ngày 05/12/2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Xây dựng và phát triển mạng lưới y tế cơ sở trong tình hình mới, trong đó chú trọng đến việc tăng cường đào tạo và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; tiếp tục đào tạo nhân lực y tế theo mọi hình thức; chú trọng đào tạo bác sỹ cho y tế xã với chương trình đào tạo và thời gian phù hợp; Tăng cường đào tạo, chuyển giao kỹ thuật, thực hiện đầy đủ quy định về đào tạo liên tục, đào tạo qua thực hành, hướng dẫn chuyên môn cho y tế cơ sở.
Hai là, thực hiện chế độ luân phiên theo Quyết định số 14/2013/QĐ-TTg ngày 10/01/2013 của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện chế độ luân phiên có thời hạn đối với người hành nghề tại các cơ sở khám chữa bệnh và Thông tư số 18/2014/TT-BYT của Bộ Y tế hướng dẫn thực hiện Quyết định số 14/2013/QĐ-TTg chế độ luân phiên có thời hạn đối với người hành nghề tại cơ sở khám chữa bệnh. Thực hiện chế độ luân phiên hai chiều phù hợp với điều kiện của từng địa phương theo hướng từ trên xuống dưới và từ dưới lên trên để tăng cường năng lực cho người hành nghề tại y tế cơ sở.Theo đó, bác sỹ, điều dưỡng, hộ sinh từ tuyến Trung ương xuống tỉnh, tỉnh xuống huyện, huyện xuống xã, từ vùng không khó khăn đến vùng khó khăn với thời gian tối thiểu 6 tháng và tối đa là 12 tháng. Bộ Y tế đã thực hiện tốt việc chuyển giao kỹ thuật cho tuyến dưới theo đề án luân chuẩn cán bộ. Nhiều địa phương đã tổ chức các đội y tế lưu động, khám chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe cho nhân dân miền núi, vùng sâu, vùng xa.
Ba là, triển khai thực hiện Dự án thí điểm đưa đưa bác sỹ trẻ tình nguyện về công tác vùng khó khăn, 62 huyện nghèo. Để có nguồn nhân lực y tế chất lượng phục vụ công tác chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khỏe nhân dân được tốt, tiến tới mọi người dân được bình đẳng trong việc thụ hưởng dịch vụ y tế chất lượng, Bộ trưởng Bộ Y tế đã ban hành Quyết định số 585/QĐ-BYT của Bộ trưởng Bộ Y tế phê duyệt Dự án “thí điểm đưa bác sĩ trẻ tình nguyện về công tác tại miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn (ưu tiên 62 huyện nghèo )” nhằm thu hút bác sỹ trẻ mới ra trường tình nguyện về công tác tại các vùng khó khăn.
Bốn là, thực hiện chế độ chính sách nhằm thu hút đội ngũ cán bộ có trình độ công tác tại y tế cơ sở. Thực hiện Nghị định số 117/2014/NĐ-CP về y tế xã, phường, thị trấn, cán bộ y tế làm việc tại Trạm y tế là viên chức do vậy được hưởng các chế độ, chính sách như viên chức y tế ( trước đây là Hợp đồng 58). Thực hiện tốt Nghị định số 64/2009/NĐ-CP về chính sách chế độ đối với cán bộ, viên chức y tế công tác ở vùng khó khăn. Trong thời gian tới Bộ Y tế tiếp tục nghiên cứu có các giải pháp vàx ây dựng các chính sách nhằm tăng cường nguồn nhân lực, đội ngũ y, bác sỹ trong đó cóv ùng cao, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Tiếp tục triển khai thực hiện Nghị định số 117/2014/NĐ-CP của Chính phủ, nhằm ổn định về tổ chức và nhân lực đối với Trạm y tế xã, phường, thị trấn. Tiếp tục thực hiện Nghị định số 76/2019/NĐ-CP ngày 08/10/2019 của Chính phủ quy định về chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và người hưởng lương trong lực lượng vũ trang công tác ở vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn. Đối với các tỉnh khó khăn và miền núi tiếp tục thực hiện đề án đào tạo theo nhu cầu xã hội: Đào tạo theo địa chỉ sử dụng, đào tạo theo hình thức cử tuyển. Tăng cường nhân lực y tế đảm bảo đủ nhân lực, duy trì và bổ sung bác sĩ về hoạt động tại trạm y tế xã. Nghiên cứu xây dựng chính sách nghĩa vụ bắt buộc phục vụ tại tuyến y tế cơ sở.
Với các giải pháp đồng bộ trên, trong thời gian tới, ngành Y tế sẽ từng bước tăng cường được nguồn nhân lực, đội ngũ y, bác sỹ phục vụ nhu cầu khám chữa bệnh và nâng cao sức khỏe cho nhân dân đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.