Bạn có biết tại sao các nhà tuyển dụng thường đưa ra câu hỏi “Kế hoạch trong 3-5 năm tới của bạn là gì”? Lý do là bởi vì những nhân viên có định hướng rõ ràng sẽ làm việc chăm chỉ và nỗ lực để đạt được những mục tiêu mà họ muốn.
Điều này không chỉ giúp phía nhà tuyển dụng tìm kiếm được những ứng viên tài năng mà còn xác định được liệu các ứng viên có muốn gắn bó lâu dài với công ty của họ không. Bài viết sau đây sẽ giúp bạn nhận thức đúng về kế hoạch phát triển nghề nghiệp và đưa ra quy trình giúp bạn xây dựng kế hoạch phát triển nghề nghiệp rõ ràng và chính xác.
1. Kế hoạch phát triển nghề nghiệp là gì?
Kế hoạch phát triển nghề nghiệp hay còn được gọi là mục tiêu nghề nghiệp. Đây là một phần được hay được thấy trong CV xin việc. Nó thường được nằm ở phần đầu xong mục thông tin cá nhân.
2. Các bước lập kế hoạch phát triển nghề nghiệp
2.1. Đặt mục tiêu cho kế hoạch
Giống với tất mọi nỗ lực, bạn cần xác định rõ ràng định hướng bản thân. Bạn không thể bắt đầu hành trình khi không biết mình muốn đến đâu. Bạn cần đặt ra mục tiêu cho kế hoạch phát triển nghề nghiệp, sau đó cố gắng bám sát kế hoạch mà mình đã đề ra.
Bất kể bạn có mong muốn đạt được mục tiêu như thế nào, đừng chỉ dừng lại ở việc suy nghĩ trong đầu mà hãy viết ra giấy, như vậy bạn có thể trực tiếp nhìn thấy điều bạn muốn và sẽ có động lực hơn để phấn đấu. Khi đặt mục tiêu, hãy lưu ý sử dụng các tiêu chí SMART để đạt hiệu quả tối ưu, bao gồm:
- S-specific: Cụ thể, chi tiết
- M-measurable: Có thể đo đếm được
- A-attainable: Nằm trong khả năng của mình, có thể thực hiện được
- R-realistic: Thực tế
- T-time based: Đặt ra dưới thời hạn nhất định
2.2. Phân tích yêu cầu nghề nghiệp
Tham khảo một bản thông tin tuyển dụng hay mô tả nghề nghiệp cho vị trí mà bạn đang nhắm đến là cách thức hợp lý để tìm được những thông tin cụ thể về những kỹ năng và kinh nghiệm cần có.
Hãy nghiên cứu từng đề mục trong bản mô tả công việc và đánh giá tình hình hiện tại của bạn trên phương diện kĩ năng, học vấn, hay kinh nghiệm so với những yêu cầu được liệt kê.
Khi xong công việc ở trên, hãy xác định tất cả những yếu tố bạn còn phải phát triển từ tương đối đến đáng kể. Tìm những điểm tương đồng và liên kết chúng lại thành một danh mục. Và bây giờ bạn đang có trên tay một danh sách các hạng mục để lên kế hoạch phát triển nghề nghiệp.
2.3. Lập kế hoạch phát triển
Sau khi đã nắm vững cách đặt mục tiêu và hiểu mình phải học gì, làm gì trong danh sách hạng mục, bạn cần lên kế hoạch ngắn hạn – thực hiện trong vòng từ 6 tháng đến 1 năm, và kế hoạch dài hạn – thực hiện trong vòng từ 3-5 năm. Việc chia nhỏ kế hoạch từ dài hạn thành ngắn hạn sẽ giúp bạn dễ dàng hơn trong việc thực hiện và theo sát kế hoạch đã đề ra.
Bạn cần chú ý đến kế hoạch của mình tối thiểu hai lần một năm. Điều này sẽ cho phép bạn tập trung vào tiến độ và nhắc nhở bản thân về những bước tiếp theo. Phát triển sự nghiệp là điều có thể dễ dàng bị bỏ quên cho đến một ngày, khi bạn tỉnh dậy và nhận ra mình mất phương hướng.
3. Lưu ý khi viết kế hoạch phát triển nghề nghiệp
3.1. Trình bày rõ ràng, ngắn gọn
Khi trình bày trong CV gởi cho nhà tuyển dụng, chỉ nên trình bày từ 3 đến 5 câu ngắn gọn về kế hoạch nghề nghiệp trong vòng 3-5 năm tới. Nếu miêu tả quá lan man và dài dòng, bạn có thể mất điểm. Bạn chỉ nên liệt kê ra những nhóm mục tiêu chính. Từ đó, dựa vào từ khóa quan trọng để mà giới thiệu đúng nội dung trọng tâm.
3.2. Phù hợp với mô tả công việc đang ứng tuyển
Kế hoạch nghề nghiệp nên phù hợp tuyệt đối với tính chất công việc bạn ứng tuyển. Từ bản mô tả công việc của nhà tuyển dụng, hãy phân tích những kỹ năng và yêu cầu liên quan tới vị trí đang tuyển dụng.
Sẽ tốt hơn nếu bạn có thể có được nhiều hơn một bản mô tả nghề nghiệp để đảm bảo bạn không bỏ lỡ bất kì yếu tố nào trong bản phân tích của mình.Bởi đây sẽ là tư liệu để bạn lập kế hoạch phát triển nghề nghiệp hiệu quả.
3.3. Không quá xa rời thực tế
Đừng đặt mục tiêu thiếu thực tế vì kế hoạch nghề nghiệp yêu cầu tính khả thi và chân thực. Nên tránh mục tiêu mang tính nửa vời mà phải xác định cho mình lộ trình phát triển đúng đắn. Các mục tiêu đặt theo tiêu chí SMART như đã đề cập ở trên sẽ giúp bạn có cơ sở để thiết kế một kế hoạch hợp lý, phù hợp với khả năng, thời gian và nỗ lực mà bạn bỏ ra mà không bị xa rời thực tế.
Khi triển khai kế hoạch hành động về nghề nghiệp, hãy luôn ghi nhớ mục tiêu cuối cùng của bạn là gì – quyết định xem con đường nào bạn muốn theo đuổi thực sự. Hy vọng bài viết trên sẽ giúp bạn hoàn thiện CV thật tốt và quan trọng hơn là xác định được đúng mục tiêu và kế hoạch phát triển nghề nghiệp cho bản thân.