Theo số liệu thống kê của cơ quan chức năng, năm 2019, du lịch là ngành đã đóng góp hơn 9,2% vào GDP nền kinh tế nước ta. Tổng thu từ khách du lịch đạt 755 nghìn tỷ đồng, tương đương 32,8 tỷ USD. Du lịch từng được xem là ngành “công nghiệp không khói”, ví như “con gà đẻ trứng vàng” và cũng từng là “ngành kinh tế mũi nhọn” giải quyết công ăn việc làm cho hàng triệu lao động với thu nhập tương đối khá so với mức lương trung bình.
Tuy nhiên, đó là câu chuyện trước đại dịch Covid 19. Có thể nói, ngành du lịch là ngành chịu nhiều “tổn thương” nhất khi cơn đại hồng thủy mang tên Covid quét qua mọi quốc gia. Thực trạng nguồn nhân lực du lịch việt nam hiện nay, đại dịch COVID-19 đã khiến trên 95% doanh nghiệp du lịch phải đóng cửa, tạm dừng hoạt động, con số doanh nghiệp du lịch có nguy cơ phá sản ngày tăng, kéo theo đó số người làm du lịch tham gia vào đội quân “thất nghiệp” cũng tăng cao.
Sở Du lịch Hà Nội cho biết, nửa đầu năm 2021, đã có khoảng 12,600 lao động tại các cơ sở lưu trú du lịch trên địa bàn đang không có việc làm. Ở mảng lữ hành, số lao động nghỉ việc, chấm dứt hợp đồng lao động chiếm khoảng 90% tổng số lao động doanh nghiệp lữ hành, tương đương trên 12.100 người.
Tại Đà Nẵng, trong số hơn 5.000 doanh nghiệp hoạt động ở lĩnh vực du lịch, có hơn 90% doanh nghiệp đóng cửa do ảnh hưởng của COVID-19. Hiệp hội Du lịch thành phố Đà Nẵng cho biết, có đến 1/10 doanh nghiệp là hội viên (tương ứng 1.000 doanh nghiệp) đã giải thể, số còn lại tiếp tục đóng cửa vì dịch bệnh. Nhiều doanh nghiệp lữ hành, du lịch cũng đang tìm kiếm nguồn vốn hỗ trợ để có thể tồn tại và giữ chân đội ngũ lao động nòng cốt. Tuy vậy, khó khăn chồng chất khó khăn khi phần lớn các doanh nghiệp đã cạn vốn hoặc đều đã vay ngân hàng.
Theo thống kê của Sở Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh, hiện có đến 90% doanh nghiệp lữ hành vừa và nhỏ, doanh nghiệp lữ hành chuyên kinh doanh thị trường trong nước đã tạm ngưng hoạt động. Tính cả năm 2020 và hết quý II năm 2021, tổng cộng có trên 170 doanh nghiệp rút giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành. Một số doanh nghiệp lớn vốn tư nhân chỉ bố trí nhân sự trực tại công ty, số còn lại cũng hoạt động cầm chừng hoặc chuyển hướng kinh doanh. Bên cạnh đó, hàng loạt các khách sạn trên toàn quốc đóng cửa vì không có khách, nguồn nhân lực lao động trong ngành du lịch gặp vô vàn khó khăn. Nhiều người đã thất nghiệp, rời bỏ nghề, tạm nghỉ việc hoặc chật vật chuyển sang hoạt động trong lĩnh vực khác để duy trì cuộc sống. Tình trạng này dẫn đến việc thất thoát nhân lực trầm trọng đối với lĩnh vực du lịch và đây thực sự là một hiện tượng chưa từng có tiền lệ.
Nhiều công ty du lịch lo ngại, với thực trạng nguồn nhân lực du lịch việt nam hiện nay cùng với tình trạng dịch chuyển lao động ra ngoài ngành, sau khi khống chế được dịch bệnh, ngành Du lịch sẽ rơi vào tình trạng khủng hoảng nguồn nhân lực.
Ngoài ra, dịch COVID-19 không chỉ ảnh hưởng đến nguồn nhân lực ở các doanh nghiệp, mà còn tác động rất lớn đến công tác tuyển sinh của các cơ sở đào tạo nhân lực du lịch. PGS.TS. Dương Văn Sáu, Trưởng Khoa Du lịch, Trường Đại học Văn hóa Hà Nội cho biết: Đại dịch COVID-19 đã khiến các cơ sở đào tạo phải chuyển đổi hình thức, phương pháp giảng dạy, đào tạo từ trực tiếp sang trực tuyến với cơ sở vật chất, trang thiết bị không đồng bộ, trình độ sử dụng công nghệ thông tin khác nhau; đồng thời, thiếu cơ sở thực hành, thiếu điều kiện học tập từ thực tiễn đã làm giảm chất lượng đào tạo.
Không chỉ vậy, công tác tuyển sinh ngành Du lịch của nhà trường cũng bị giảm đi đáng kể, số lượng sinh viên ra trường gặp khó khăn khi tìm kiếm việc làm. Điều này cũng có nghĩa trong vài năm tới, số lượng lao động bổ sung mới cho ngành du lịch sẽ bị thiếu hụt.
Những khó khăn, thách thức về nguồn nhân lực về mặt vĩ mô đã được các cơ quan chức năng nêu rõ. Ở cấp độ cá nhân thì ngay trước khi có đại dịch Covid 19 thì chất lượng nguồn nhân lực hoạt động trong lĩnh vực du lịch đã có vấn đề, không đồng đều, không tương xứng và chưa đáp ứng được yêu cầu từ phía khách hàng.
Là một người từng đi du lịch, tôi có trải nghiệm không mấy tốt đẹp với 1 số hướng dẫn viên du lịch – mặc dù họ đang làm việc trong những công ty du lịch có tiếng trên thị trường. Sẽ không ngoa nếu nói Hướng dẫn viên du lịch là nghề “làm dâu trăm họ”. Ngoài kiến thức, kỹ năng được trang bị trên ghế nhà trường hoặc các lớp tập huấn, nâng cao nghiệp vụ do công ty tổ chức thì mỗi HDV cần có tinh thần học hỏi liên lĩ, phấn đấu, rèn luyện mỗi ngày.
Tôi đã từng bị “tra tấn” khi tham gia 1 chuyến du lịch do cơ quan tổ chức. HDV là 1 em trẻ đẹp, sành điệu nhưng thái độ, sự phục vụ lại không tương xứng với ngoại hình Trời cho. Ngay từ khi lên xe, cả đoàn đã hốt hoảng với giọng nói cao vút cộng với khả năng nói nhanh như tên bắn. Phần giới thiệu cũng như trò chơi HDV bày ra không khác gì “cưỡng bức” mọi người tham gia, bất chấp trong đoàn có đủ mọi lứa tuổi cao niên, trung niên, thanh niên, trẻ em v.v Những bài thuyết trình tại những điểm đến không khác cái máy nhả chữ, vô hồn, vô cảm v.v Đã vậy, không có thông tin gì mới ngoài những điều mà ông Thầy Gloogle đã cung cấp.
Dĩ nhiên, không thiếu phần HDV đưa du khách vào các cửa hàng mua sắm. Cần biết, khách du lịch ngày nay không dễ bị lừa bởi những lời mời gọi có cánh, việc thúc giục, chèo kéo của HDV chỉ khiến cho du khách thêm ngao ngán. Đó là còn chưa kể đến việc thiếu chuyên nghiệp của HDV trong việc thu thập thông tin của khách hàng dẫn đến những bất cập khi sắp xếp bữa ăn, chỗ nghỉ ngơi, mua vé vào các điểm tham quan v.v
Như đã nói, nghề HDV du lịch là “làm dâu trăm họ”, có 9 người thì đã 10 ý nên rất khó đòi hỏi vừa lòng tất cả mọi người. Tuy nhiên, vẫn có những tiêu chí cơ bản không thể bỏ qua, phản ánh trình độ nhận thức, khả năng tự học hỏi, tự rèn luyện của từng cá nhân. Diễn đạt 1 cách khác, HDV là bộ mặt của công ty du lịch. Việc khách hàng có quay lại hay không phụ thuộc rất lớn vào việc HDV đó có “ghi điểm” trong mắt du khách hay không đó thôi. Năng lực của 1 HDV phải được bồi đắp như phù sa theo năm tháng, phụ thuộc vào khả năng thiên phú, đam mê, tình yêu, sự tâm huyết dành cho nghề nghiệp của cá nhân đó .
Những ngày gần đây, vấn đề khôi phục lực lượng lao động có tay nghề cao của ngành Du lịch đã được đặt ra – khi đại dịch Covid 19 cơ bảnđược kiểm soát. Với những khó khăn, thách thức nêu trên, quả nhiên có quá nhiều việc phải làm ngay và luôn. Bên cạnh những chính sách hỗ trợ của Chính phủ, của Hiệp hội du lịch thì chất lượng nguồn nhân lực là bài toán khó đặt ra cho từng doanh nghiệp.
Một số doanh nghiệp đã khởi động các lớp tập huấn, bồi dưỡng, xây dựng lại quy trình quản lý, đào tạo để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch. Có điều, không phải có Tiền là có thể giải quyết được mọi việc. Như đã nói, vấn đề nhân sự vô cùng quan trọng – nhất là trong bối cảnh nhân sự chất lượng cao đã chuyển dần sang ngành khác, nguồn dự bị đã “bật gốc” từ sau hơn 4 tháng cả nước thực hiện cách ly do dịch bệnh.
Du lịch như con cá, đã mắc lưới thì càng vùng vẫy lại càng vướng sâu, khó gỡ. Muốn thoát ra khỏi lưới bén thì phải nhẹ nhàng nắm đúng mấu chốt, đặc biệt cần có chiến lược đào tạo và phát triển nguồn nhân lực cần bài bản, khoa học, phù hợp với những yêu cầu mà yêu cầu thực tế cuộc sống đặt ra../.