Nếu như bạn là người quan tâm đến sự phát triển bản thân và thăng tiến trong công việc thì hẳn bạn đã biết đến tầm quan trọng của mục tiêu nghề nghiệp. Việc có thể xác định được mục tiêu nghề nghiệp phù hợp là một trong điều vô cùng quan trọng đối với mỗi người. Mục tiêu giúp chúng ta xác định được đích đến, từ đó nỗ lực, phấn đấu, thúc đẩy bạn tiến lên, cải thiện và phát triển bản thân để đạt được phát triển và thành công trong sự nghiệp.
Mục tiêu nghề nghiệp giúp bạn có được tầm nhìn và động lực thúc đẩy bạn tập trung bổ sung kiến thức, nỗ lực rèn luyện kỹ năng; sắp xếp thời gian hiệu quả để tích lũy kinh nghiệm và cuối cùng là tập trung vào những điều mình cần phải làm, loại bỏ những yếu tố không liên quan, gây ảnh hưởng đến tốc độ và hiệu quả công việc giúp bạn tiết kiệm thời gian, công sức và đôi khi cả chi phí đầu tư.
Trong các buổi phỏng vấn tuyển dụng, mục tiêu nghề nghiệp luôn là câu hỏi được các nhà tuyển dụng quan tâm vì dựa trên câu trả lời của ứng viên, nó gần như thể hiện tất cả khía cạnh để họ quyết định mức độ phù hợp của ứng viên với vị trí tuyển dụng.
Mục tiêu nghề nghiệp là gì?
Mục tiêu nghề nghiệp là một điều, một vị trí, tình trạng nào đó liên quan đến cuộc sống nghề nghiệp của bạn mà bạn đặt tâm trí, sức lực vào để đạt được. Bạn có thể đặt ra mục tiêu nghề nghiệp ngắn hạn như được thăng chức hoặc có được sự công nhận, hoặc dài hạn như trở thành người điều hành doanh nghiệp thành công của riêng bạn hoặc trở thành giám đốc điều hành tại công ty mơ ước của bạn.
Bất kể mục tiêu đó có như thế nào, chúng phải là động lực thúc đẩy bạn tiến lên trong sự nghiệp của mình thông qua kế hoạch thực hiện và đưa ra cam kết hoàn thành điều đó trong khoảng thời gian nhất định.
Vai trò của mục tiêu nghề nghiệp
Thiết lập mục tiêu nghề nghiệp rất quan trọng vì nó vạch ra cho bạn một khung làm việc để theo đuổi những gì mong bạn mong đợi. Việc mong muốn làm hay hoàn thành điều gì đó là một khởi đầu tốt.
Một số lợi ích dễ thấy nhất từ việc có được một mục tiêu nghề nghiệp, đặc biệt là mục tiêu S.M.A.R.T:
- Giúp bạn tập trung: Khi bạn đưa ra mục tiêu hay tiêu chuẩn cần đạt được, bạn đã đưa ra được cho mình những chỉ dẫn cho sự nỗ lực. Nó vạch ra cho bạn con đường cần phải đi, cho bạn biết chính xác những gì mình đang hướng tới, những gì cần làm, điều đó giải phóng đầu óc khỏi những lo lắng và những công việc không cần thiết.
- Dễ dàng đánh giá tiến trình phát triển: Việc thường xuyên đánh giá lại quá trình và các mục tiêu giúp mang đến sự đảm bảo rằng bạn đang đi đúng đường ray, đúng nhịp. Cũng nhờ việc thường xuyên đánh giá lại tiến trình so với mục tiêu, bạn sẽ nhìn thấy sự trưởng thành của bản thân. Hơn nữa, nếu bạn nhận thấy tiến độ của mình thấp hơn dự đoán, bạn có thể thực hiện các thay đổi đối với chiến lược của mình hoặc đặt ra một chiến lược mới cho phù hợp
- Có được cảm giác trách nhiệm với hành động của bản thân: Việc thiết lập mục tiêu nghề nghiệp buộc bạn chịu trách nhiệm với những gì bạn làm từ đó bạn sẽ trân trọng nhiều hơn những nỗ lực của bản thân và xem nó như động lực để duy trì thái độ làm việc tích cực.
- Mọi người đều cảm thấy hài lòng về bản thân khi họ đạt được mục tiêu. Con người rất dễ có được cảm giác hạnh phúc và hài lòng khi có được “cảm giác đạt được/cảm giác thành tựu”. Các mục tiêu ngắn hạn cho phép bạn có được cảm giác thành tựu đó khá thường xuyên. Mỗi khi bạn hoàn thành một mục tiêu, bạn có lý do chính đáng để ăn mừng và cảm thấy tự hào, vui vẻ theo đuổi, thực hiện các mục tiêu tiếp theo.
Cách thiết lập mục tiêu nghề nghiệp
Bước đầu tiên của bạn trong việc thiết lập mục tiêu là hiểu những gì bạn thực sự muốn. Bắt đầu quá trình với sự tự nhận biết – bạn đang ở đâu? Bạn muốn đi về hướng nào, những điều gì là quan trọng, những thành tựu mà bạn muốn đạt được? Đối với bạn điều là có giá trị quan trọng nhất là gì?
Có một mẹo nhỏ giúp bạn biết được mục tiêu của mình là gì: “Hãy bắt đầu từ khi kết thúc”. Bạn hãy tưởng tượng câu chuyện cuộc đời mình và những thành tựu vĩ đại nhất của bạn sẽ được kể lại như thế nào sau khi qua đời. Bạn muốn mọi người ghi nhớ về điều gì? Bạn muốn để lại di sản gì cho thế giới này? Những câu trả lời sẽ giúp bạn xác định những bước tiếp theo mà bạn nên làm.
Hãy bắt đầu các mục tiêu bằng cách viết chúng ra. Tạo một danh sách các mục tiêu của bạn, sau đó ưu tiên chúng theo thứ tự quan trọng nhất của bạn. Tập trung vào những gì bạn muốn đạt. Sẽ hiệu quả hơn khi tập trung vào những gì bạn muốn (“vị trí Chuyên gia về Nguồn nhân lực”) bởi vì nó cho tâm trí bạn một mục tiêu rõ ràng để tập trung năng lượng và giúp bạn nhận ra các cơ hội tiềm năng.
Tiếp theo, hãy chia nhỏ các mục tiêu của bạn thành các phần nhỏ hơn, dán nhãn chúng là mục tiêu trước mắt (trong vài tuần tới), ngắn hạn (dưới 3 năm) và dài hạn (3 – 5 năm hoặc hơn), việc chia mục tiêu của bạn thành các bước nhỏ hơn sẽ khiến việc đạt được chúng trở thành một quá trình dễ quản lý hơn nhiều.
Lưu ý khi lập mục tiêu: Dù là mục tiêu trước mắt, miệu tiêu ngắn hay mục tiêu dài hạn, hãy viết theo cách viết mục tiêu S.M.A.R.T – là một mục tiêu cụ thể, có thể đo lường được, có thể đạt được/có tính khả thi, có tính phù hợp và có hạn mức thời hạn.
- Tính Cụ thể: Chính xác những gì bạn muốn đạt được. Càng cụ thể và rõ ràng càng tốt.
- Có thể đo lường: Mục tiêu cần gắn với con số cụ thể
- Có thể đạt được: Hãy suy nghĩ kỹ xem mục tiêu của mình có đạt được hay không, trước khi bắt tay thực hiện công việc. Hãy thực tế về mọi thứ, từ thời điểm, đến sự kiên trì, đến cân nhắc tài chính. Mục tiêu của bạn càng thực tế và phải phù hợp với khả năng và kỹ năng của bạn, bạn càng đặt mình gần với thành công.
- Có liên quan: Lý do, mục đích hoặc lợi ích của việc hoàn thành mục tiêu này là gì? Cần phải hiểu rõ lý do TẠI SAO theo đuổi mục tiêu này. Đó có phải điều bạn thực sự mong muốn?
- Có thời hạn: Bất cứ mục tiêu nào cũng cần được hoàn thành trong một khoảng thời gian nhất định, đảm bảo bạn đi đúng hướng và kịp tiến độ
Lập kế hoạch hành động cho mục tiêu và bám sát vào những gì đã đề ra. Kế hoạch cho cần cho cả mục tiêu nghề nghiệp ngắn hạn và dài hạn, buộc phải bao gồm các bước cần thực hiện để đạt được từng bước, cùng với các cách để vượt qua các rào cản và bao gồm các phương án thay thế.
Cách viết mục tiêu ngắn hạn
Mục tiêu ngắn hạn là điều chắc chắn cần thể hiện, đó có thể là những kết quả bạn mong muốn đạt được trong thời gian từ 01-03 năm.
Khi ứng tuyển cho một vị trí công việc, để tạo được ấn tượng với nhà tuyển dụng, mục tiêu nghề nghiệp ngắn hạn cần cụ thể và quan trọng là liên quan mật thiết đến vị trí công việc mà bạn đang ứng tuyển. Sau đây là một vài gợi ý:
- Thể hiện sự nỗ lực rèn luyện bản thân không ngừng cho định hướng nghề nghiệp mà bạn đang hướng đến. Ví dụ: “Tôi được đào tạo chuyên môn về ngành kinh tế vận tải biển, mặc dù nền tảng kiến thức tổng quát đã được xây dựng từ nhà trường nhưng khi làm việc chuyên sâu trong lĩnh vực logistics, tôi muốn mình thật sự là một chuyên viên giỏi nghiệp vụ. Đó là lý do tôi đang theo học một khóa nghiệp vụ logistics ngắn hạn tại trường đại học Kinh tế và sẽ hoàn thành vào cuối năm nay.”
- Làm nổi bật tố chất cá nhân có liên quan mật thiết, thậm chí không thể thiếu cho công việc mà bạn đang ứng tuyển. Cụ thể: “ Tôi là người cẩn thận trong công việc và luôn tìm thấy cách quản lý công việc hiệu quả thông qua những phần mềm tin học văn phòng cùng những ứng dụng công nghệ hiện đại. Tuy vậy, ở một môi trường mới luôn sẽ có những đặc trưng công việc mới, và tôi đã sẵn sàng áp dụng linh hoạt những gì mình đã trải nghiệm thành công cho công việc sắp tới”
- Khẳng định cho nhà tuyển dụng thấy năng lực của bạn là yếu tố thế mạnh mà doanh nghiệp đang mong muốn tìm kiếm. Ví dụ: “ Tôi tốt nghiệp loại giỏi chuyên ngành tài chính và kinh nghiệm làm việc đã mang đến cho tôi sự tự tin khi tiếp quản những công việc liên quan đến lĩnh vực này. Tại môi trường mới sẽ có nhiều nét đặc trưng khác biệt, nhưng với nền tảng sẵn có, tôi tin mình sẽ tiếp quản công việc hiệu quả trong thời gian ngắn nhất”.
Cách viết mục tiêu dài hạn
Mục tiêu dài hạn thường mất từ 3 – 5 năm hoặc hơn để hoàn thành. Để đạt được mục tiêu dài hạn, bạn phải hoàn thành một loạt các mục tiêu ngắn hạn và một vài mục tiêu dài hạn.
Ví dụ: giả sử bạn khao khát trở thành bác sĩ. Đó có thể là mục tiêu dài hạn cuối cùng của bạn, nhưng trước khi bạn có thể đạt được nó, bạn phải đạt được một vài mục tiêu dài hạn khác: hoàn thành đại học (bốn năm), trường y (bốn năm nữa) và nội trú y tế (ba đến tám năm).
Trên con đường đạt được những mục tiêu dài hạn đó, có một số mục tiêu ngắn hạn cần phải hoàn thành trước tiên. Chúng bao gồm việc xuất sắc trong các kỳ thi tuyển sinh và nộp đơn vào đại học, trường y, và cuối cùng là nội trú. Vì điểm số rất quan trọng khi đạt được những mục tiêu đó, nên cần phải chia nhỏ các mục tiêu ngắn hạn của bạn xuống hơn nữa, chẳng hạn như đạt được điểm trung bình cao
Khi ứng tuyển cho một vị trí, một số ứng viên nghĩ rằng mục tiêu dài hạn không thật sự quan trọng, bởi lẽ, sự gắn kết lâu dài không chỉ phụ thuộc vào họ mà còn nằm ở phía môi trường làm việc tại doanh nghiệp. Tuy nhiên, như bạn vẫn thấy danh sách câu hỏi phỏng vấn phổ biến đều có câu “ Mục tiêu của bạn trong 05 năm tiếp theo là gì?”.
Talent Bold đề cập điều này vì muốn các ứng viên hiểu một điều rằng, trước khi bạn muốn nhận được sự gắn kết từ người khác, hãy cho họ thấy thiện chí gắn kết từ bạn. Và mục tiêu nghề nghiệp dài hạn chính là cách thể hiện thiện chí đó. Sau đây là một vài gợi ý:
- Bạn hãy cho nhà tuyển dụng thấy quyết tâm gắn bó lâu dài cùng doanh nghiệp mà bạn đang ứng tuyển. Ví dụ: “Tôi hy vọng trong 05 năm sắp tới gắn kết với vị trí công việc tại công ty, tôi sẽ có cơ hội học hỏi và hoàn thiện nghiệp vụ chuyên môn, trở thành một chuyên viên giỏi và có cơ hội đề bạt lên những vị trí cao hơn.”
- Những khía cạnh bổ sung quan trọng cho nghề nghiệp, cho tổ chức nhưng không mang tính cấp thiết nên thể hiện ở mục tiêu nghề nghiệp lâu dài. Ví dụ: “Về lâu dài, khi đã ổn định công việc tại vị trí mới, tôi muốn mình có nhiều thời gian tham gia các khóa học ngoại khóa như trau dồi một ngoại ngữ mới, tham gia các hoạt động thiện nguyện vào cuối tuần hoặc dành nhiều thời gian cho câu lạc bộ thể thao tại công ty”
- Những định hướng liên quan đến cuộc sống gia đình – nơi có tác động trực tiếp đến công việc. Ví dụ: “Tôi hy vọng trong khoảng 10 năm tới, bằng mức lương của mình, tôi có thể cùng gia đình ổn định nơi ở tại một căn hộ chất lượng tốt. An cư và lạc nghiệp luôn song hành cùng nhau”
Cách viết mục tiêu nghề nghiệp thể hiện trong CV
Trong CV, mục tiêu nghề nghiệp mang đến cho nhà tuyển dụng cái nhìn sơ lược về kỹ năng, kiến thức và khả năng của ứng viên. Nó mang ý nghĩa rất quan trọng trong hồ sơ xin việc không chỉ của những sinh viên mới ra trường, mà còn của các ứng viên có kinh nghiệm. Mục tiêu nghề nghiệp phải đảm bảo thể hiện được ba phần chính:
- Kỹ năng chuyên môn: có liên quan đến yêu cầu vị trí công việc đang ứng tuyển.
- Kinh nghiệm làm việc hoặc thành tích nổi bật
- Định hướng sự nghiệp trong tương lai.
Mục tiêu nghề nghiệp giúp nhà tuyển dụng biết thêm về con người của bạn, giúp họ nhanh chóng xác định được mức độ phù hợp của ứng viên đối với công việc thông qua những từ khóa quan trọng, đồng thời gợi lên hứng thú nghiên cứu kỹ những thông tin khác được trình bày ở phần còn lại của CV.
Một số lưu ý khi viết mục tiêu nghề nghiệp thể hiện trong CV:
- Trình bày một cách đầy đủ nhưng vẫn ngắn gọn, súc tích, gói gọn trong khoảng 100 từ
- Nội dung hướng tới lợi ích của doanh nghiệp bạn đang ứng tuyển, thể hiện cho các nhà tuyển dụng thấy bạn sở hữu những thế mạnh và kinh nghiệm làm việc phù hợp với công việc ra sao và sẽ tạo ra được những giá trị như thế nào cho công ty
- Thông tin cụ thể, rõ ràng: nêu chính xác, cụ thể tên bộ phận, phòng ban, khối ngành,… của vị trí mà mình đang ứng tuyển
- Nên có thời gian cho từng mục tiêu nghề nghiệp cụ thể, hãy giới hạn cho mục tiêu của mình trong thời gian là bao lâu ví dụ như trong 1 tháng, 1 năm,…
- Trung thực với mục tiêu của mình: không ngại thể hiện những giới hạn của mình ở thời điểm hiện tại nhưng đi cùng với đó là cách để khắc phục: “Mặc dù chưa có nhiều kinh nghiệm cho vị trí này, nhưng tôi đảm bảo luôn cố gắng hết sức trong việc chịu trách nhiệm và dựa vào những kỹ năng tích lũy của mình qua các công việc bán thời gian tôi đã từng làm để đạt được chỉ tiêu công ty đưa ra….”
Đối với sinh viên mới ra trường:
- Phải xem xét thật kỹ bản mô tả công việc của vị trí ứng tuyển sau đó xây dựng mục tiêu nghề nghiệp sao cho phù hợp với vị trí và cho nhà tuyển dụng thấy được tiềm năng và lợi ích mà bạn có thể mang lại cho công ty
- Lên danh sách những điểm mạnh và kỹ năng mà bạn có thể sử dụng để phục vụ công việc và là những điểm khiến bạn trở nên nổi bật so với những ứng viên khác.
- Đặt mục tiêu nghề nghiệp ở vị trí trên đầu CV hay một vị trí nào đó nổi bật để thu hút sự chú ý của nhà tuyển dụng
Đối với người đi làm đã có kinh nghiệm:
- Cần xác định được một hay hai mục tiêu vừa phù hợp với khả năng của với bản thân nhưng đồng thời cũng thể hiện ý chí cầu tiến của bản thân nhưng vẫn phù hợp với vị trí công việc đang ứng tuyển
Như vậy, dù là bất kỳ ai, làm công việc nào cũng cần xây dựng cho mình những mục tiêu nghề nghiệp nhằm đạt được những mong muốn và sự phát triển của bản thân. Mục tiêu nghề nghiệp chính là la bàn chỉ hướng cho sự phát triển sự nghiệp.