Nguồn nhân lực chính là nguồn tài sản lớn nhất của một doanh nghiệp. Nguồn nhân lực hiệu quả và bền vững sẽ tạo ra nhiều giá trị gia tăng cho doanh nghiệp. Dù là doanh nghiệp lớn hay nhỏ, chiến lược về nhân sự để quản lý và phát triển nguồn nhân lực của một doanh nghiệp luôn luôn là cần thiết và cần có sự hoạch định liên phòng chức năng và dài hạn.
1. Chiến lược nguồn nhân lực là gì?
Nguồn nhân lực trong doanh nghiệp bao gồm tất cả những người đang làm việc trong doanh nghiệp, ở tất cả các vị trí khác nhau, làm trực tiếp hoặc gián tiếp.
Nguồn nhân lực là yếu tố quyết định sự sống còn của doanh nghiệp, doanh nghiệp có phát triển hay không đều phụ thuộc vào chất lượng nguồn nhân lực. Chính vì thế, bất kỳ doanh nghiệp nào cũng cần có một chiến lược phát triển nguồn nhân lực rõ ràng nhằm đem lại hiệu suất lao động cũng như hiệu quả trong việc thực hiện các mục tiêu phát triển doanh nghiệp.
Chiến lược nguồn nhân lực được hiểu là một kế hoạch cụ thể trong quản trị nhân sự, trong đó thể hiện hệ thống những chính sách, chương trình, quy trình, hoạt động hay những tiêu chí cụ thể đối với nguồn nhân lực nhằm phục vụ cho mục tiêu đảm bảo sự phát triển của một doanh nghiệp. Ở những giai đoạn khác nhau, bối cảnh khác nhau doanh nghiệp cần có một chiến lược nguồn nhân lực phù hợp với sự biến đổi không ngừng của xã hội nhằm thích nghi và phát triển bền vững.
Nguồn nhân lực đóng vai trò then chốt trong mọi hoạt động của doanh nghiệp. Các nhà quản trị nhân lực cần phải sáng suốt trong việc lựa chọn nhân sự cho doanh nghiệp từ tuyển dụng, đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho đến phát huy tối đa thế mạnh nguồn nhân lực doanh nghiệp. Để làm được điều này, các nhà quản trị nhân sự cần phải xây dựng được chiến lược nguồn nhân lực mới có thể quản trị nhân lực một cách hiệu quả, đáp ứng được nhu cầu phát triển của doanh nghiệp.
2. Vai trò của xây dựng chiến lược nguồn nhân lực của doanh nghiệp
Trong lộ trình phát triển của một doanh nghiệp, nguồn nhân lực là yếu tố cốt lõi đảm bảo cho sự tồn tại và phát triển của doanh nghiệp. Trong bối cảnh xã hội chuyển biến không ngừng, doanh nghiệp có thể tồn tại và phát triển đòi hỏi nguồn nhân lực phải thay đổi để có thể đáp ứng được trong bối cảnh mới. Để đạt được các mục tiêu trong phát triển doanh nghiệp, các nhà quản trị nhân sự cần có những phán đoán chính xác để có thể xây dựng được chiến lược nhân lực phù hợp với lộ trình phát triển của doanh nghiệp. Ở những vị trí công việc khác nhau sẽ có chiến lược nhân sự khác nhau nhằm quản trị nhân sự một cách hiệu quả, phát huy tối đa thế mạnh của nguồn nhân lực.
Doanh nghiệp muốn phát triển bền vững thì nguồn nhân lực cần phải nâng cao về cả chất và lượng. Nguồn nhân lực thiếu hoặc dư thừa, hoặc chất lượng thấp sẽ ảnh hưởng lớn đến sự phát triển của doanh nghiệp. Chính vì thế, doanh nghiệp cần có chiến lược nhân sự cụ thể, rõ ràng theo từng lộ trình phát triển doanh nghiệp, phù hợp với mục tiêu phát triển của doanh nghiệp. Đạt được điều này sẽ giúp doanh nghiệp tiết kiệm cả thời gian và chi phí trong quản trị nhân lực đồng thời nâng cao hiệu suất lao động.
Có một chiến lược nhân lực rõ ràng không chỉ giúp cho nhà quản trị nắm bắt được tình hình nhân sự mà còn giúp nhân sự trong doanh nghiệp ý thức được vị trí, vai trò và trách nhiệm của mình trong công việc, phát huy thế mạnh của bản thân, tạo nên những giá trị quan trọng trong sự phát triển của doanh nghiệp.
Suy cho cùng, doanh nghiệp muốn phát triển được thì cần có một nguồn nhân lực vững mạnh. Để có thể tồn tại và phát triển, doanh nghiệp cần phải sử dụng và khai thác hợp lý, hiệu quả nguồn nhân lực mà doanh nghiệp đang có.
3. Các yếu tố xây dựng chiến lược nguồn nhân lực
Để xây dựng được chiến lược nguồn nhân lực, các nhà quản trị nhân lực cần nhìn nhận nhiều yếu tố khác nhau trong những thời điểm khác nhau.
Thứ nhất, dựa trên mục tiêu phát triển, chức năng nhiệm vụ của doanh nghiệp để lựa chọn nhân sự. Dựa trên chức năng hay hoạt động của doanh nghiệp, nhà quản trị sẽ lựa chọn nhân sự có trình độ chuyên môn phù hợp với từng vị trí công việc. Số lượng nhân sự cũng được cân nhắc để đảm bảo sự vận hành của doanh nghiệp. Ở mỗi vị trí công việc sẽ có chiến lược phát triển nhân sự khác nhau cả về chất lượng và số lượng.
Thứ hai, dựa trên điều kiện của doanh nghiệp để có kế hoạch nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, phục vụ cho sự phát triển của doanh nghiệp. Nhà quản trị cần nắm bắt được khả năng về cơ sở vật chất, tài chính doanh nghiệp để có những quyết sách trong đào tạo, phát huy tối đa nguồn nhân lực của doanh nghiệp.
Thứ ba, nhà quản trị nhân sự doanh nghiệp phải nắm bắt được tâm tư, nguyện vọng, nhu cầu phát triển bản thân của nhân lực doanh nghiệp để có những chính sách phù hợp nhằm xây dựng lộ trình phát triển nhân sự một cách rõ ràng, hiệu quả. Bên cạnh đó, các chính sách như giữ chân nhân tài, thanh lọc nhân sự không còn phù hợp là điều cần thiết trong chiến lược nhân lực của doanh nghiệp cần được lưu tâm khi thực hiện.
Cuối cùng, xã hội biến đổi không ngừng đòi hỏi các nhà quản trị nhân lực doanh nghiệp cần xây dựng chiến lược nhân lực phù hợp với bối cảnh xã hội, phù hợp với chính sách nhân lực chung của Nhà nước nhằm đảm bảo cho sự phát triển bền vững của doanh nghiệp.
4. Quy trình xây dựng chiến lược nguồn nhân lực doanh nghiệp
Để xây dựng chiến lược nguồn nhân lực, nhà quản trị nhân sự doanh nghiệp cần xem xét nhiều khía cạnh khác nhau, từng bước thiết kế một kế hoạch nhân sự cụ thể, rõ ràng và phù hợp với tình hình hoạt động của doanh nghiệp.
Bước 1: Xác định mục tiêu phát triển của doanh nghiệp, chức năng, nhiệm vụ và các hoạt động cụ thể của doanh nghiệp để lựa chọn nhân sự phù hợp.
Bước 2: Xây dựng bộ quy tắc tổ chức nhân sự doanh nghiệp, các yêu cầu về nhân sự và hướng dẫn thực hiện.
Bước 3: Tuyển dụng nhân sự phù hợp với các vị trí công việc. Xem xét sự phù hợp về chuyên môn, số lượng nhân sự, các tiêu chí về ngoại hình, kinh nghiệm, kỹ năng… của nhân sự nhằm đảm bảo đáp ứng được các yêu cầu của công việc.
Bước 4: Xây dựng các chương trình, hoạt động nhằm thúc đẩy, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đáp ứng lộ trình phát triển doanh nghiệp.
Bước 5: Xây dựng các chính sách đãi ngộ hoặc kỷ luật đối với nhân sự một cách rõ ràng, tạo động lực cho nhân sự cống hiến hết mình trong công việc. Đồng thời tăng tính cạnh tranh trong công việc sẽ là tiền đề thúc đẩy sự phát triển không ngừng của cả nhân sự và doanh nghiệp.
Bước 6: Duy trì và phát triển nhân sự doanh nghiệp. Nhà quản trị nhân sự doanh nghiệp cần thực hiện bổ sung và thanh lọc nhân sự thường xuyên nhằm đảm bảo số lượng và chất lượng nhân sự doanh nghiệp.
Bước 7: Đánh giá toàn bộ quá trình. Nhà quản trị nhân sự doanh nghiệp cần đánh giá những hiệu quả và hạn chế của chiến lược nhân sự đã xây dựng và thực hiện nhằm phát huy các ưu điểm, khắc phục hạn chế và rút kinh nghiệm trong xây dựng chiến lược nhân sự ở những giai đoạn sau, đảm bảo cho sự phát triển bền vững của doanh nghiệp.
Tóm lại, để đảm bảo cho sự phát triển bền vững của doanh nghiệp thì việc xây dựng chiến lược nhân lực là điều quan trọng và cần thiết. Để xây dựng được một chiến lược nhân lực phù hợp cần dựa trên nhiều yếu tố khác nhau, ttong đó mục tiêu phát triển của doanh nghiệp là điều quan trọng nhất. Nhà quản trị nhân lực doanh nghiệp cần thận trọng trong từng bước xây dựng chiến lược nhân sự để phát huy thế mạnh nhân sự, nâng cao hiệu suất lao động cũng như thúc đẩy sự phát triển doanh nghiệp trong những giai đoạn, bối cảnh khác nhau.