Thế hệ trẻ ngày nay đang ngày càng định hình nên bản sắc của cá nhân. Định hướng phát triển nghề nghiệp giúp họ xây dựng lộ trình tương lai và ghi dấu ấn về sự khác biệt của mình. Vậy làm sao để phát triển nghề nghiệp hiệu quả? Nên định hướng nghề nghiệp cá nhân theo các bước nào để đạt hiệu quả cao nhất? Câu trả lời sẽ được giải đáp ở bài viết dưới đây.
1. Định hướng phát triển nghề nghiệp là gì?
Định hướng phát triển nghề nghiệp là một khái niệm của chuyên ngành giáo dục toàn diện, và liên tục được cập nhật để cung cấp cho các cá nhân (học sinh, sinh viên) tại các cơ sở đào tạo với các thông tin và kinh nghiệm, giúp họ có sự chuẩn bị tốt cho việc lựa chọn công việc trong tương lai.
2. Vì sao nên định hướng phát triển nghề nghiệp?
Ngày nay, nền kinh tế Việt Nam đang phát triển nhanh chóng với sự phát triển của khoa học công nghệ, các ngành nghề mới liên tục ra đời, và đòi hỏi nhiều lao động có trình độ chuyên môn cao.
Để thích ứng với giai đoạn này cũng như đáp ứng được với nhu cầu của thị trường doanh nghiệp, các bạn trẻ, đặc biệt là học sinh, sinh viên cần có ý thức về việc định hướng đúng đắn cho nghề nghiệp trong tương lai của mình.
Trước đây, việc định hướng nghề nghiệp không được chú trọng, chỉ mang tính khái quát chung chung cho một nhóm nghề cho mọi người. Tuy nhiên việc định hướng one-fit-all đã không còn hữu ích, mỗi một nghề nghiệp, mỗi cá nhân đề có những đặc điểm, yêu cầu, mong đợi khác nhau nên việc cá nhân hoá hướng đi nghề nghiệp trở nên quan trọng hơn bao giờ hết, để tránh tình trạng chạy theo đám đông, bị ảnh hưởng bởi thiên kiến theo xu hướng ngành hot của xã hội.
Việc định hướng phát triển nghề nghiệp hợp lý thể hiện bạn là một người có trách nhiệm và quyết định thành công trong tương lai. Bạn có những mục tiêu rõ ràng trên con đường đã chọn, bạn biết bạn cần làm gì để nhanh chóng hiện thực hóa các mục tiêu đó, bạn biết được đâu là cơ hội và nắm bắt nó, và đến gần hơn với mong muốn thành công trong sự nghiệp.
Thử tưởng tượng xem, bạn đến một đất nước xa lạ, bạn muốn đến nhà người thân nhưng bạn không biết phải đi đâu, bạn nỗ lực tìm một tấm bản đồ, hay hiện đại hơn là một ứng dụng Google Maps trên điện thoại.
Bạn biết mình cần đi hướng nào, rẽ trái hay phải, nên đi bộ, xe buýt hay tàu điện ngầm, mọi chuyện đã dễ và nhanh hơn rất nhiều rồi phải không. Định hướng nghề nghiệp cho bản thân là việc đi tìm tấm bản đồ đó.
3. Các bước định hướng nghề nghiệp cá nhân
Cần làm gì để định hướng nghề nghiệp bản thân? Hãy tham khảo các bước sau để có hướng đi rõ ràng hơn cho tương lai của bạn.
3.1. Vượt qua rào cản định hướng nghề nghiệp
Một khi bạn đã vượt qua trở ngại chính bản thân mình, ý thức hơn về tầm quan trọng của định hướng nghề nghiệp tương lai của mình, các rào cản tiếp theo sẽ bắt đầu xuất hiện, đòi hỏi bạn phải dũng cảm vượt qua.
Gần gũi nhất và thường gặp nhất là những ép buộc từ gia đình, có thể là cha mẹ, ông bà hay họ hàng, bó buộc bạn trong nghề truyền thống của gia đình, hoặc đi theo nghề nghiệp của cha mẹ.
Không thể phủ nhận rằng điều này là không tốt cho bạn, tuy nhiên bạn chỉ nên tiếp thu ý kiến định hướng và những lời khuyên từ phía gia đình, sau đó cần nhìn nhận đánh giá lại, điều gì có ích, điều gì chưa hợp lý, và đưa ra quan điểm của mình.
Ngoài ra, xu hướng chọn nghề nghiệp từ môi trường xung quanh cũng là một thử thách, nên tránh việc lựa chọn định hướng theo người quen, bạn bè, hay theo xu hướng ngành nghề. Bạn cần vượt qua các rào cản này để khách quan nhất đưa ra được định hướng cho bản thân mình
3.2. Tìm hiểu các lĩnh vực nghề nghiệp trong xã hội
Các rào cản giờ đã được xử lý, bạn đã có đủ tính khách quan để tiến đến bước tiếp theo, tìm hiểu các lĩnh vực nghề nghiệp trong xã hội. Mọi việc dường như đã dễ dàng hơn với sự trợ giúp của Internet.
Tìm hiểu về thị trường lao động Việt Nam, đâu là ngành nghề được xã hội cần, ngành nào có tiềm năng phát triển mạnh trong tương lai, các công ty nào đang dẫn đầu trong ngành, các công việc liên quan đến ngành nghề, trình độ chuyên môn của lao động được yêu cầu như thế nào về kiến thức và kỹ năng.
Khi đã hiểu về lĩnh vực giúp bạn có cái nhìn thực tế hơn về cơ hội phát triển nghề nghiệp trong ngành và các thử thách cạnh tranh trên thị trường lao động, bước đầu vạch ra được các công việc, nghề nghiệp phù hợp với bản thân và nhu cầu xã hội.
3.3. Xác định thế mạnh của bản thân
Giờ đây bạn đã hiểu về thị trường lao động ngoài kia và lĩnh vực nghề nghiệp mà bạn quan tâm. Bước tiếp theo sẽ quay lại với chính bản thân bạn, khám phá con người bạn với những câu hỏi rất riêng “Tôi là ai?”, “Tôi làm giỏi nhất điều gì?”, “Điều gì tôi cảm thấy tự tin khi thể hiện?”.
Thế mạnh của bạn sẽ cho bạn biết rõ ràng hơn ngành nghề nào trên thị trường là phù hợp với bạn, chắc chắn bạn đạt hiệu quả cao và sẽ thành công nếu được làm công việc đúng với thế mạnh của mình.
Ngoài ra, hiện có một thực trạng rằng nhiều bạn trẻ có quan niệm sai về định hướng nghề nghiệp bản thân theo sở thích. Tức là cảm thấy thích làm nghề nào thì định hướng theo nghề đó. Tuy nhiên, sở thích khác với thế mạnh, bạn có thể thích nghề nào đó, nhưng chưa chắc bạn đủ năng lực để làm giỏi và tạo ra được kết quả.
Vậy nên, việc định hướng và phát triển nghề nghiệp bản thân không nên phụ thuộc quá nhiều vào sở thích.
3.4. Tạo một danh sách các yếu tố liên quan đến nghề nghiệp bạn mong muốn
Sau khi đã xác định được thế mạnh của bản thân và ngành nghề phù hợp, việc tiếp theo là định hướng cho việc học để đi trên con đường hướng đến ngành nghề đó.
Việc lập ra danh sách những yếu tố nào sẽ ảnh hưởng đến nghề nghiệp bạn mong muốn là vô cùng cần thiết, từ đó giúp bạn đưa ra các câu trả lời, các phương án, quyết định đúng đắn để giải quyết tất cả các yếu tố liên quan.
3.5. Học thêm kỹ năng mềm
Với hướng đi nghề nghiệp bạn đã xác định, ngoài các kiến thức chuyên môn thì việc bổ trợ thêm các kỹ năng cần thiết, đặc biệt là kỹ năng mềm. Để thành công trong công việc, qua khảo sát cho thấy 25% đến từ kiến thức chuyên môn, 75% còn lại đến từ kỹ năng mềm trong công việc của bạn như thế nào.
Xác định các kỹ năng mềm cần thiết trong công việc, tìm cơ hội để học hỏi, trau dồi và luyện tập thành thục các kỹ năng này. Khi càng phát triển các kỹ năng của bản thân, bạn sẽ càng thấy được nhiều cơ hội và lựa chọn được cho bản thân mình công việc phù hợp nhất, điều này sẽ giúp bạn đi nhanh và xa hơn đấy.
3.6. Tự trải nghiệm và khám phá
Cuối cùng, để biết được chính xác công việc bạn nghĩ có thực sự phù hợp với cá nhân bạn hay không, không cách nào hay hơn việc tự mình trải nghiệm và khám phá thực tế, bạn biết chính xác câu trả lời.
Hãy chủ động tìm cho mình những cơ hội tham gia vào các dự án, các chương trình thực tập sinh, các công việc làm thêm về ngành ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, bạn sẽ cảm nhận rõ nhất về định hướng nghề nghiệp bản thân, và đây cũng là cơ hội để có thêm kinh nghiệm liên quan, tăng thêm giá trị cạnh tranh cho bạn sau khi tốt nghiệp đấy. Chúc bạn sẽ có một quá trình định hướng phát triển nghề nghiệp thuận lợi trong tương lai!