Có thể nói, một trong những hình ảnh gây hoang mang, nhiều suy tư, trăn trở từ đợt bùng phát dịch Covid 19 trong thời gian qua, đó là có hàng triệu người lao động nhập cư ở TPHCM và các tỉnh miền Đông Nam Bộ đã bất chấp nguy cơ dịch bệnh, bất chấp nguy hiểm có thể đe dọa đến tính mạng để vượt hàng ngàn km trên hành trình “tháo chạy” khỏi nơi vốn được coi là “đất lành chim đậu” – là nơi mà những lao động nhập cư từng hy vọng, mơ ước được làm việc để đổi đời? Vấn đề đặt ra là Vì sao nên nỗi? Nguyên nhân thì có nhiều và đã được các chuyên gia phân tích, mổ xẻ dưới rất nhiều lăng kính khác nhau.
Về phía người lao động – họ cũng có lý do chính đáng của họ. Rất nhiều những chương trình vận động, tuyên truyền từ cấp Trung ương đến cơ sở, người lao động được khuyến cáo là nên trụ lại địa phương để góp phần giảm thiểu những tác hại của việc đứt gãy nguồn nhân lực – khi sản xuất dần được phục hồi sau đợt bùng phát dịch kinh hoàng. Song, đáng lo ngại là chẳng mấy hiệu quả. Dòng người tháo chạy tiếp tục gia tăng. Những hình ảnh được chia sẻ trên mạng xã hội khi vợ chồng, con cái đùm túm nhau trên chiếc xe cà tàng, chở đủ thứ vật dụng ngổn ngang băng đi xuyên màn đêm, xuyên mưa bão gây ám ảnh, chua xót cho tất cả người xem. Đó là chưa kể những hình ảnh châm biếm, kiểu lên Tivi nhận hỗ trợ, về quê sống thôi – cơm cháo qua ngày đã là mừng ….
Ai cũng biết: Ba nhân tố cơ bản bảo đảm cho một nền kinh tế phát triển nhanh, lành mạnh và bền vững là sử dụng công nghệ cao, cơ sở hạ tầng hiện đại và chất lượng nguồn nhân lực cao. Trong đó chất lượng nguồn nhân lực cao vừa là nhân tố, vừa là động lực phát triển.
Thực tiễn đã cho thấy, chất lượng con người – nguồn nhân lực cao hay thấp ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình phát triển của nền sản xuất xã hội. Dù công nghệ tiên tiến, hạ tầng cơ sở rất hiện đại, nhưng nguồn nhân lực kém chất lượng thì cũng không thể giải quyết được bài toán tăng trưởng kinh tế cao, bền vững. Nguồn lực con người – nguồn nhân lực chất lượng cao luôn là nguồn lực đầu tiên, nguồn lực lớn nhất của sự phát triển và là yếu tố quyết định sự phát triển, tăng trưởng kinh tế cao.
Lý thuyết là như vậy, nhưng thử hỏi mối quan hệ giữa doanh nghiệp – tức là chủ doanh nghiệp với người lao động thực chất là như thế nào? Liệu doanh nghiệp có coi người lao động là đối tác, là nguồn lực mang lại lợi nhuận cho họ để có quan niệm, thái độ, chính sách hướng đến quyền lợi của người lao động? Hiện nay công nghệ Internet phát triển, người lao động có kiến thức nên họ có nhiều nguồn thông tin, không dễ cứ nói là họ nghe, họ tin một cách giản đơn, ngô nghê, thiếu kiểm chứng. Đã có quá nhiều những câu chuyện “dở khóc dở cười” khi người lao động truyền tai nhau những việc làm tất khuất, nói không đi đôi với làm của chủ doanh nghiệp gây thất vọng và mất niềm tin.v.v Tiếng lành đồn xa mà tiếng dữ còn đồn xa hơn nên dễ hiểu cuộc tháo chạy vừa qua của hàng triệu lao động nhập cư không phải là không có cơ sở.
Trong bức tranh nhiều màu xám của nguồn nhân lực khi đại dịch Covid 19 quét qua vẫn nổi lên không ít doanh nghiệp vẫn giữ vững, bảo toàn nguồn nhân lực của họ. Hẳn nhiên, đây là kết quả của một chiến lược, của một quá trình lâu dài – khi doanh nghiệp xác định rõ nguồn nhân lực chính là yếu tố quyết định cho sự thành bại của họ.
Điển hình có thể kể đến 1 doanh nghiệp có vốn 100% Nhật Bản ở Khu công nghiệp Bến Cát – Bình Dương. Khi đợt dịch Covid thứ 4 bùng phát, lãnh đạo doanh nghiệp đã xác định phải thực hiện “3 tại chỗ” nhằm đảm bảo an toàn về con người và chuỗi sản xuất. Họ có gặp khó khăn, tốn kém không? Xin thưa là rất khó khăn và tốn kém. Song, do đã xác định rõ “lửa thử vàng”, Covid cũng là cơ hội để họ chứng minh tấm lòng và năng lực quản trị đối với người lao động. Họ đặt người lao động ở vị trí trung tâm, mọi chương trình, quyết sách đều xoay quanh “hạt nhân” này. Người lao động thực hiện 3 tại chỗ dĩ nhiên được bao trọn gói.
Ngoài thụ hưởng chính sách ưu đãi chung do Chính Phủ khởi xướng, người lao động an tâm làm việc trong nhà máy khi nhu cầu sinh hoạt cá nhân – nhu cầu giải trí, hoạt động tinh thần, thể dục thể thao được công ty đầu tư tối đa… Người Việt có câu “ Đầu không thông, vác bình bi đông cũng nặng” . Thân – Tâm thống nhất là một và đội ngũ nhân viên phụ trách nhân lực đã làm rất tốt công tác tâm lý nên những vướng mắc – nếu có sớm được cởi bỏ. Đối với người lao động không thực hiện 3 tại chỗ, họ được nhận 50% lương/ tháng, thường xuyên được nhân viên hành chính gọi điện thăm hỏi, động viên, gửi nhu yếu phẩm thiết yếu…Kết quả là số lao động này cảm kích, xúc động, đúng là giữa lúc hoạn nạn mới biết chân tình, họ tự nguyện đăng ký đi làm lại khi dịch Covid 19 tạm thời được kiểm soát ở địa phương .v.v
Qua câu chuyện này cho thấy tất cả những chương trình hay ho, những lời thuyết giảng hùng hồn chẳng mấy có giá trị thậm chí còn gây tác dụng ngược – nếu nó không phải là sự thật…Doanh nghiệp chấp nhận chịu thua lỗ nặng về mặt kinh tế chỉ để giữ chân khách hàng – giữ chân người lao động. Họ nhận hết những cái khó để gieo mầm, nuôi dưỡng Niềm tin nơi người lao động, để “vượt bão” mang tên Covid.
Ngoài chiến lược cải thiện trải nghiệm của người lao động với doanh nghiệp và chính sách giữ người và thu hút nhân tài, tổ chức cần có nhiều chương trình đào tạo ngắn hạn và dài hạn dành cho người lao động, để bắt kịp nhịp làm việc trong hoàn cảnh “bình thường mới”. Đầu tiên, phải kể đến các chương trình chăm sóc sức khỏe tinh thần của người lao động. Trải qua nhiều biến cố do covid-19, sự mất mát, khó khăn về vật chất lẫn tinh thần, cũng như phải làm việc trong điều kiện phòng dịch ngặt nghèo, chưa kể đến sinh hoạt của gia đình họ còn chưa được ổn định, người lao động chịu nhiều sang chấn tâm lý, cũng như chưa thật sự an tâm khi bắt đầu công việc. Các chương trình này bao gồm việc đào tạo nâng cao kiến thức để đối phó với những tình huống hay hoàn cảnh khó khăn, nhận biết sớm các vấn đề sức khỏe tinh thần của chính mình, có chiến lược đối phó với căng thẳng và biết tìm chuyên gia tham vấn khi cần.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng cần có những hành động cụ thể để san sẻ những khó khăn mà người lao động gặp phải, đặc biệt là lao động nữ, khi vừa làm việc, vừa chăm lo việc học tập online của con ở nhà. Thứ hai là các chương trình huấn luyện về quy trình an toàn làm việc trong hoàn cảnh phòng dịch, vừa bảo vệ người lao động, vừa chủ động trong hoàn cảnh bất khả kháng nếu có xảy ra. Trong chương trình này, các nội dung nâng cao hiểu biết về bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của Virus Corona (COVID-19), cách dự phòng và điều trị cũng vô cùng cần thiết. Thứ ba là chương trình nâng cao hiệu suất làm việc của từng cá nhân người lao động, bao gồm cả việc chuyển đổi số và làm việc online và tư duy lao động 4.0. Cuối cùng, các chương trình đào tạo dài hạn để tiếp tục nâng cao tay nghề của nguồn nhân lực là vô cùng cần thiết.
Khi doanh nghiệp – người lao động đã có ấn tượng, trải nghiệm tốt về nhau thì việc xây dựng những chương trình đào tạo ngắn hạn hoặc lâu dài để người lao động tích lũy kiến thức nghề nghiệp, có tay nghề vững vàng, có năng lực sáng tạo, kỹ năng nghề ngày một nâng cao mang lại lợi ích cho cả đôi bên chỉ còn là câu chuyện thời gian… /.