Cụm từ “Lo nguồn lao động thiếu hụt” sau khi TPHCM và 1 số tỉnh thành phố nới lỏng giãn cách từ ngày 1.10 là chìa khóa được tìm kiếm rất nhiều trên Internet. Cụ thể là sau khi UBND TP HCM cho phép nhiều ngành nghề hoạt động bình thường, phần đông doanh nghiệp hứng khởi nhưng đều có những nỗi lo, nhất là bài toán nan giải liên quan nguồn lao động thiếu hụt.
Các doanh nghiệp thiếu hụt nguồn lao động
Trước đó vào ngày 29/8, Ông Lâm Minh Chánh, CEO BizUni, đồng sáng lập Cộng đồng Quản trị và Khởi nghiệp, đã thay mặt 11 lãnh đạo doanh nghiệp soạn thảo thư kiến nghị trực tuyến và kêu gọi 5.000 chữ ký để gửi đến Chính phủ nhằm đề xuất 3 nhóm giải pháp “cứu” doanh nghiệp.
Văn bản nêu rõ hiện nay, tất cả các doanh nghiệp vừa và nhỏ, đặc biệt ở khu vực phía Nam, đang đối mặt với muôn vàn khó khăn do đại dịch diễn biến phức tạp và kéo dài. Chiếm đến 98% tổng số doanh nghiệp, khu vực này đang gặp hàng loạt khó khăn khi phải ngừng hoạt động, chi phí áp dụng mô hình “3 tại chỗ” tăng cao, nặng gánh phí mặt bằng, kho bãi…
Doanh nghiệp khó khăn, cạn kiệt nguồn lực là vậy, thế nhưng trước ngày 1/10, đại diện cho Hội doanh nghiệp TPHCM cho rằng: Việc triển khai các chính sách, giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp thời gian qua của Chính Phủ đã được cộng đồng doanh nghiệp ghi nhận và đánh giá cao, góp phần giảm bớt những khó khăn mà doanh nghiệp đang phải gánh chịu.
Tuy nhiên vẫn còn 1 số bất cập như tình trạng trên mở, dưới đóng, trao bình oxy nhưng lại không mở van v.v Nhiều địa phương lo ngại không kiểm soát được dịch bệnh nên “đẻ” ra thêm nhiều giấy phép con, gây tốn kém, bất tiện cho những hoạt động của doanh nghiệp.
Theo Cổng thông tin điện tử của Chính Phủ, với quyết sách từ Quốc hội và Chính phủ hỗ trợ DN kịp thời trong thời gian gần đây, tiêu biểu như: Cắt giảm 30% thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) cho các DN chủ yếu thuộc quy mô vừa và nhỏ, có doanh số dưới 200 tỷ đồng/năm; kéo dài thời gian miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp từ 1/1/2021 tới năm 2025 (miễn khoảng 7.500 tỷ đồng/năm); giãn, hoãn thuế giá trị gia tăng (GTGT), thuế TNDN, tiền thuê đất và các chính sách nới lỏng về tín dụng của các ngân hàng.
Việc giãn thời gian nộp thuế và tiền thuê đất giúp DN có thêm nguồn lực tài chính ,giúp tăng sức chống chiụ trước các nguy cơ đứt gãy chuỗi cung ứng, bất ổn hoặc giảm sút sức mua thị trường. Có điều cần lưu ý rằng, so với quy mô tài chính, phương thức, giải pháp và đối tượng các gói hỗ trợ DN và người dân của Chính phủ nhiều nước chống dịch COVID-19 năm 2020 và 2021, thì các gói hỗ trợ của Việt Nam còn khiêm tốn…
Bởi vậy, sẽ là không đủ nếu DN bị ảnh hưởng của dịch COVID-19 không nhận được thêm những giải pháp thiết thực khác, như giảm lãi suất cho vay và linh hoạt hơn các điều kiện tiếp cận thực tế tín dụng ngân hàng…Các doanh nghiệp đề xuất:
Trước mắt, các quy trình và giá cả dịch vụ quản lý dịch vụ công phải bảo đảm sự thuận lợi và tiết giảm chi phí trong lưu thông hàng hóa thông suốt giữa các thị trường trong nước với nước ngoài, giữa các tỉnh có dịch với các địa phương giáp ranh…
Như đã nói, quyết sách đúng đắn nhưng từ lý thuyết đến thực tế luôn có khoảng cách. Phần lớn doanh nghiệp ý thức được rằng: Môi trường và các nhân tố ảnh hưởng đến hoạt động của doanh nghiệp mang tính chất “sống còn”. Trong câu chuyện hiện nay, nổi lên quyết sách của Chính Phủ, của chính quyền địa phương liên quan đến việc kiểm soát dịch Covid 19.
Trở lại với ý kiến của ông Nguyễn Gia Huy Chương – Phó Chủ Tịch YBA – Theo ông Chương, UBND TP HCM ngày 1/10 cho phép mở cửa nhưng ngày 30/9 mới lấy ý kiến về phương án tổ chức giao thông với 5 tỉnh lân cận nên doanh nghiệp rối bời trong việc bố trí nhân sự sản xuất trở lại.
Ông Chương cho rằng, dự thảo cũng chưa nhắc đến một số địa phương mà người lao động từ TP HCM trở về nhiều như Bình Phước, Ninh Thuận, Đắk Lắk. Việc tuyển dụng lao động thời vụ trong giai đoạn này khó thực hiện bởi doanh nghiệp muốn được sản xuất ngay và tiết giảm những chi phí phát sinh”. Đồng quan điểm với Ông Chương, ông Nguyễn Văn Bé – Chủ tịch Hiệp hội các khu công nghiệp TP. HCM (HBA) cho rằng, việc các địa phương không đồng bộ về phương án mở cửa khiến nhiều doanh nghiệp rơi vào tình thế bị động, chỉ hứng khởi tinh thần nhưng không sẵn sàng nhân lực, cơ sở vật chất và nguyên vật liệu để hoạt động ổn định.
Theo thống kê của HBA, hiện các khu công nghiệp và khu công nghệ cao có khoảng 43.000 lao động ở các tỉnh. Khoảng 14.000 người trong số này làm việc tại khu chế xuất Linh Trung 1, 2 và đã tiêm vaccine mũi 1. Hiệp hội đã đề xuất thành phố ưu tiên vaccine cho công nhân để trở lại làm việc nhưng vì hầu hết cư ngụ tại Dĩ An, Thuận An (Bình Dương) nên không thể di chuyển qua lại.
Đại diện lãnh đạo hai hiệp hội YBA và HBA cho biết thêm: phương án mới của thành phố cũng chưa đề cập đến việc giải phóng thế nào lực lượng lao động “3 tại chỗ” tại các doanh nghiệp. Một số doanh nghiệp chưa phủ hết vaccine thắc mắc người lao động của họ có được trở về nhà hay tiếp tục ở lại. Bởi nếu trở về thì họ không thể quay lại nhà máy và kéo theo thiếu hụt nhân sự dây chuyền cho doanh nghiệp?
Ngoài câu chuyện thiếu lao động, việc thiếu đơn hàng hay tâm trạng lo sợ thành phố và các tỉnh thành tái siết chặt nếu bùng dịch trở lại cũng đang đè nặng doanh nghiệp khiến nhiều đơn vị dè dặt hoạt động . Ông Trịnh Chí Cường – Tổng giám đốc Công ty cổ phần Nhựa Đại Đồng Tiến nói rằng, đến lúc này mới cảm nhận dấu hiệu hồi sinh của TP HCM sau nhiều lần trông chờ rồi lại hụt hẫng.
Tuy nhiên, ông chưa thể đưa công ty trở lại cường độ sản xuất như trước dịch mà dành ngày hôm nay dọn dẹp, sau đó theo dõi diễn biến dịch bệnh hàng tuần để ra quyết định tiếp theo. Tiến sĩ Vũ Tiến Lộc –Đại diện cho Phòng Thương mại và công nghiệp VN đúc kết : “Lúc đóng lúc mở, lúc siết lúc buông, trên nói một đằng, dưới làm một nẻo, tỉnh A thông đường, tỉnh B rào chắn, huyện bảo doanh nghiệp được vận hành bình thường, xã lại bảo người lao động ai ở đâu ở yên đó, ngăn sông cấm chợ vô lối làm cho doanh nghiệp chết oan”.
Tóm lại, DN thời hậu Covid gặp nhiều khó khăn khách quan mà dù có nỗ lực xoay sở cũng khó mà vượt bão do sự không nhất quán trong quản lý từ chính quyền.
Ngoài khó khăn khách quan thì vấn đề “nhân lực” của phần lớn doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng tồn tại nhiều bất cập.
Thực tế cho thấy: Chủ các doanh nghiệp nhỏ và vừa thường là kỹ sư hoặc kỹ thuật viên tự đứng ra thành lập và vận hành doanh nghiệp, họ vừa là người quản lý, vừa tham gia trực tiếp vào sản xuất nên mức độ chuyên môn trong quản lý doanh nghiệp không cao. Ngoài ra, hầu hết những người chủ doanh nghiệp nhỏ và vừa đều không tham gia vào các khóa đào tạo quản lý chính quy, chưa có đủ kiến thức về quản trị doanh nghiệp; chỉ quản lý theo kinh nghiệm và ý kiến chủ quan.
Hiện nay, có rất ít doanh nghiệp nhỏ và vừa lập kế hoạch nhân lực trong dài hạn. Theo số liệu thống kê, có đến 85% trong tổng số doanh nghiệp thực hiện dự báo nhu cầu dựa trên số lượng lao động cần thay thế, chỉ có khoảng 15% là dựa vào sự thay đổi về khoa học, công nghệ, nhu cầu sản phẩm và dịch vụ, quy mô vốn,… Thêm vào đó, việc xác định thừa hay thiếu lao động cũng chỉ do từng phòng ban xác định dựa vào khối lượng công việc hiện tại chứ không có sự tham gia của phòng nhân sự. Phòng nhân sự chỉ có chức năng nhận chỉ tiêu lao động và thực hiện việc tuyển dụng.
Nhiều chủ DNNVV Việt Nam cũng chưa xác định được nhu cầu về nguồn nhân lực trong ngắn hạn hoặc thậm chí chỉ căn cứ vào thời điểm hiện tại để ra quyết định. Chỉ những doanh nghiệp có quy mô từ 50-300 lao động là còn quan tâm và đề ra chiến lược nguồn nhân lực, nhưng những chiến lược này còn rất sơ sài.
Đối với công tác đánh giá tình hình thực hiện kế hoạch nguồn nhân lực và đưa ra dự kiến cho kế hoạch của năm tiếp theo, hiện nay, các nhà quản lý của Việt Nam nói chung và các DNNVV nói riêng vẫn chưa coi trọng quá trình này, vì vậy công tác nhân sự tại các doanh nghiệp còn rất đơn giản.
Về phân tích công việc
Hầu hết các DNNVV Việt Nam đều thực hiện việc xây dựng công tác phân tích công việc, đặc biệt là những doanh nghiệp có quy mô từ 50 lao động trở lên. Mỗi doanh nghiệp đều có những mẫu soạn thảo mô tả công việc riêng của mình, gồm những nội dung chính như: Tên công việc; Tên bộ phận chuyên trách công việc; Tên người giám sát; Phần mô tả tóm tắt về công việc; Các tiêu chuẩn hoàn thành công việc.
Tuy nhiên, công tác phân tích công việc chỉ được tiến hành chi khi có chỗ trống trong doanh nghiệp. Các DNNVV Việt Nam cũng không đưa ra một quy trình, hay một sự đánh giá nào về công tác này mà chủ yếu chỉ do một cá nhân thực hiện sau đó được trưởng phòng của phòng ban đó ký duyệt và gửi xuống phòng nhân sự.
Về tuyển dụng nhân sự
Đối với nguồn tuyển dụng nội bộ: khi công tác tuyển dụng được tiến hành thì phòng tổ chức – hành chính sẽ thông báo đến các đơn vị trong hệ thống và các phòng ban nghiệp vụ khác, từng bộ phận sẽ xem xét thấy cá nhân nào có khả năng đảm nhiệm công việc thì thông báo lại cho phòng tổ chức. Tuy nhiên, do nguồn nhân lực tại các DNNVV thường có quy mô nhỏ nên ưu thế dành cho tuyển dụng nội bộ là không nhiều.
Đối với tuyển dụng từ bên ngoài: việc tuyển dụng thông qua các tổ chức giới thiệu việc làm còn rất khiêm tốn. Nguồn từ cơ sở đào tạo và thông tin đại chúng là một phần đảm bảo cho các doanh nghiệp tuyển được đúng người đúng việc. Hình thức này chủ yếu áp dụng tại các doanh nghiệp có quy mô từ 50 lao động trở lên, trong đó thông báo tuyển dụng qua Internet, báo chí.
Theo thống kê thì có 25% doanh nghiệp tuyển dụng qua các phương tiện thông tin đại chúng, con số này là rất thấp so với các nước phát triển cũng như một số nước trong khu vực.
Mỗi doanh nghiệp đều lựa chọn một cách thức tuyển dụng riêng nhưng hầu hết các DNNVV đều thực hiện các bước của quá trình tuyển chọn như sau: tiếp nhận hồ sơ và nghiên cứu; lựa chọn những ứng viên đạt yêu cầu để phỏng vấn.
Khi tiến hành phỏng vấn, các doanh nghiệp lập hội đồng phỏng vấn gồm giám đốc, trưởng phòng nhân sự và các nhân viên nhân sự tham gia phỏng vấn. Ứng viên vượt qua vòng phỏng vấn sẽ được nhận vào thử việc trong vòng 3-6 tháng, sau đó doanh nghiệp sẽ ký hợp đồng chính thức.
Trên thực tế, nhiều DNNVV do trình độ nhận thức và quản lý còn chưa cao nên sau khi thực hiện quá trình tuyển dụng nhân sự, các doanh nghiệp này thường kết thúc quá trình tuyển dụng mà không cần biết hiệu quả của đợt tuyển dụng này là như thế nào, có đạt được mục tiêu của quá trình tuyển dụng không… Chính vì vậy, công việc đánh giá hiệu quả công tác tuyển chọn cũng chỉ được khoảng 35% các DNNVV tiến hành.
Về đánh giá thành tích
Hầu hết các DNNVV sử dụng phương pháp đánh giá bằng thang điểm, tuy nhiên, các tiêu chí đánh giá thường do chủ quan mà không dựa trên bản mô tả công việc. Hiện nay, việc người lao động đánh giá cấp trên là một điều rất ít doanh nghiệp áp dụng. Điều này sẽ làm giảm tính khách quan trong công tác đánh giá, và khiến nhiều nhà quản lý không chịu học hỏi, đổi mới bản thân.
Về đào tạo, nâng cao kỹ năng, tay nghề cho người lao động
Đa số các doanh nghiệp nhỏ và vừa không có chiến lược đào tạo và phát triển gắn liền với tầm nhìn và mục tiêu cụ thể của doanh nghiệp. Một thực tế khác là nhiều doanh nghiệp Việt Nam chỉ quan tâm đến việc đào tạo cho các cán bộ quản lý, chuyên gia cấp cao. Còn với công tác đào tạo chuyên viên kỹ thuật, công nhân lao động thì hình thức đào tạo chủ yếu là tự đào tạo hoặc người lao động phải tự nâng cao tay nghề.
Bên cạnh những nhược điểm trong quản trị doanh nghiệp nói trên thì rất nhiều các DNNVV hiện nay chưa xây dựng được một quy chế trả lương hoàn thiện cho người lao động.
Từ thực trạng nói trên, có thể thấy rằng hiệu quả công tác sử dụng và quản trị nguồn nhân lực trong các DNNVV Việt Nam còn khá thấp, chưa đáp ứng được tình hình phát triển một cách nhanh chóng của nền kinh tế cũng như yêu cầu về vấn đề sử dụng nguồn nhân lực hiện nay. Quản trị nguồn nhân lực tại các doanh nghiệp này không được quan tâm phát triển nên không tận dụng được một các hiệu quả nguồn lao động trong doanh nghiệp.
Ai cũng biết, đại dịch Covid càn quét trên phạm vi toàn cầu thì mọi thứ đã thay đổi. Cuộc sống “bình thường mới” đặt ra rất nhiều thách thức, trong đó yếu tố linh hoạt và sáng tạo được đề cao. Và như vậy con người – nhân lực vốn là chủ thể của mọi hoạt động càng cần được chú trọng đầu tư bài bản hơn./…
Dịch COVID -19 đã, đang và sẽ tiếp tục làm thay đổi thế giới, cả trong tư duy và phương thức quản lý, sản xuất, phân phối, tiêu dùng các nguồn lực và của cải xã hội, cả vĩ mô và vi mô, cả quản trị doanh nghiệp, cũng như quản lý nhà nước đối với hoạt động của các DN …
Những quyết sách của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giúp doanh nghiệp củng cố niềm tin và có động lực mạnh mẽ hơn nhằm khắc phục thiệt hại, vực dậy sản xuất kinh doanh, đồng hành cùng Chính phủ trong thực hiện mục tiêu kép “vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế”.