Nguồn nhân lực chính là một trong những nguồn lực hữu hình, ảnh hưởng đến chiến lược quản trị của doanh nghiệp. Nguồn lực tạo nên lợi thế cạnh tranh, đóng vai trò quan trọng trong thành công của một công ty. Hãy cùng tìm hiểu khái niệm nguồn nhân lực là gì và các đặc điểm của nguồn lực này để xây dựng doanh nghiệp hiệu quả hơn nhé!
1. Khái niệm nguồn nhân lực
1.1. Nhân lực là gì?
Nhân lực là nguồn lực xuất phát từ trong chính bản thân của từng cá nhân con người. Nhân lực bao gồm thể lực và trí lực. Nguồn lực này ngày càng phát triển cùng với sự phát triển của con người. Khi nguồn lực này đủ lớn, nó sẽ đáp ứng các điều kiện để con người có thể tham gia vào lao động, sản xuất.
Chính vì điều đó, nhân lực tạo ra sự khác biệt so với các nguồn lực khác trong doanh nghiệp (nguồn vốn, công nghệ kỹ thuật, máy móc…).
1.2. Nguồn nhân lực là gì?
Cho đến nay, do xuất phát từ các cách tiếp cận khác nhau, nên vẫn có nhiều cách hiểu khác nhau khi bàn về khái niệm nguồn nhân lực.
Theo Liên Hợp quốc, “Nguồn nhân lực là tất cả những kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm, năng lực và tính sáng tạo của con người có quan hệ tới sự phát triển của mỗi cá nhân và của đất nước”. Như vậy, ở đây nguồn lực con người được coi như một nguồn vốn bên cạnh các loại vốn vật chất khác: vốn tiền tệ, công nghệ, tài nguyên thiên nhiên.
Theo nghĩa rộng, nguồn nhân lực là nguồn cung cấp sức lao động cho sản xuất xã hội, cung cấp nguồn lực con người cho sự phát triển. Do đó, nhân lực bao gồm toàn bộ dân cư có thể phát triển bình thường.
Theo nghĩa hẹp, nguồn nhân lực là khả năng lao động của xã hội, là nguồn lực cho sự phát triển kinh tế – xã hội, bao gồm các nhóm dân cư trong độ tuổi lao động, có khả năng tham gia vào lao động, sản xuất xã hội, tức là toàn bộ các cá nhân cụ thể tham gia vào quá trình lao động, là tổng thể các yếu tố về thể lực, trí lực của họ được huy động vào quá trình lao động.
Nguồn nhân lực được biểu hiện trên hai mặt:
- Về số lượng đó là tổng số những người trong độ tuổi lao động làm việc theo quy định của nhà nước và thời gian lao động có thể huy động được từ họ;
- Về chất lượng, đó là sức khoẻ và trình độ chuyên môn, kiến thức và trình độ lành nghề của người lao động. Nguồn lao động là tổng số những người trong độ tuổi lao động quy định đang tham gia lao động hoặc đang tích cực tìm kiếm việc làm.
Nguồn lao động cũng được hiểu trên mặt số lượng. Như vậy, có một số được tính là nguồn nhân lực nhưng lại không phải là nguồn lao động, đó là: những người không có việc làm nhưng không tích cực tìm kiếm việc làm, tức là những người không có nhu cầu tìm việc làm, những người trong độ tuổi lao động quy định nhưng đang đi học.
Trong thời đại ngày nay, con người được coi là một “tài nguyên đặc biệt”, một nguồn lực của sự phát triển kinh tế. Bởi vậy, việc phát triển con người, phát triển nhân lực trở thành vấn đề chiếm vị trí trung tâm trong hệ thống phát triển các nguồn lực.
Chăm lo đầy đủ đến con người là yếu tố bảo đảm chắc chắn nhất cho sự phồn vinh, thịnh vượng của mọi quốc gia. Đầu tư cho con người là đầu tư có tính chiến lược, là cơ sở nền tảng cho sự phát triển bền vững.
2. Vai trò của nguồn nhân lực
2.1. Đảm bảo sự phát triển cho tổ chức
Việc hoạch định nguồn nhân lực cho từng phòng ban, đặt đúng người, đúng việc và giữ – phát triển nhân tài là hoạt động mang tính chiến lược vừa ngắn hạn vừa dài hạn của doanh nghiệp.
- Ngắn hạn: hoàn thành chỉ tiêu sản xuất và cung ứng dịch vụ trong khoảng thời gian quy định theo kế hoạch.
- Dài hạn: sự ổn định việc sản xuất và bảo đảm chuỗi cung ứng, tăng sáng tạo và linh hoạt cũng như gìn giữ văn hóa và bản sắc của doanh nghiệp mà chính những điều này mới đem lại vị thế cạnh tranh của chính tổ chức đó.
Trong thời buổi kinh tế mở cửa như hiện nay, nguồn nhân lực chính là yếu tố then chốt giúp các doanh nghiệp nắm lấy cơ hội để phát triển, tăng hiệu suất và hiệu quả kinh doanh.
2.2. Nguồn lực vô tận của tổ chức
Vai trò của nguồn nhân lực đối với doanh nghiệp chính là năng lực vô tận cho sự sáng tạo sản phẩm và kiến tạo tổ chức. Việc giữ cho nhân sự ổn định và tối ưu hóa nguồn nhân lực là việc làm đòi hỏi có tầm chiến lược và thấu hiểu tâm sinh lý con người. Việc này được thực hiện toàn diện trên 3 khía cạnh cơ cấu, điều hành và phát triển:
- Về cơ cấu: Xây dựng cách lãnh đạo cho nguồn nhân lực, tạo cho nguồn nhân lực các hệ thống (phù hợp với các yếu tố bên trong và bên ngoài doanh nghiệp để điều khiển quá trình.
- Về điều hành: Với việc điều hành này bạn phải chỉ đạo nhân lực qua việc cách ứng xử của nhân viên qua quá trình lãnh đạo nhân viên và kiểm soát hoạt động làm việc của nhân sự
- Về phát triển: Là động lực mà các lớp lãnh đạo sẽ hướng nhân viên đến để học hỏi và hoàn thiện liên tục các kỹ năng cần thiết, nhằm xây dựng cơ cấu tổ chức và điều hành tổ chức.
2.3. Tầm quan trọng của nguồn nhân lực tới xã hội
Phát triển kinh tế – xã hội được dựa trên nhiều nguồn lực: nhân lực, vật lực, tài lực, song chỉ có nguồn lực con người mới tạo ra động lực cho sự phát triển, những nguồn lực khác muốn phát huy được tác dụng chỉ có thể thông qua nguồn lực con người.
Vai trò của nguồn nhân lực trong phát triển kinh tế là không thể bàn cãi. Chính vì vậy, kể từ khi mở cửa nền kinh tế, nhà nước đã luôn đẩy mạnh và phát huy các chính sách nâng cao chất lượng đào tạo. Bởi giáo dục – đào tạo là con đường cơ bản để phát huy nguồn lực con người.
Hy vọng bài viết trên đã giúp bạn nhận thức rõ về khái niệm nguồn nhân lực, vai trò của nguồn nhân lực và cách khai thác tối ưu nguồn lực này. từ đó đưa ra được chính sách tối ưu nhất, tận dụng nhân lực tạo ra các kế hoạch kinh doanh đột phá.