Khi thực hiện các hoạt động nghề nghiệp, con người luôn phải thể hiện những khả năng cần thiết mới có thể hoàn thành các hoạt động đó và để có thể thực hiện được tốt công việc của mình, điều cần thiết phải có tri thức, kinh nghiệm tương ứng với mỗi hoạt động, bên cạnh đó là có khả năng tập trung chú ý, tư duy, tưởng tượng… mới đảm bảo rằng hoạt động đang theo đúng mục tiêu, mục đích. Tất cả những yếu tố trên tổng hợp lại sẽ tạo thành khả năng thực hiện hoạt động nghề nghiệp – kỹ năng nghề nghiệp/năng lực nghề nghiệp.
1. Kỹ năng nghề nghiệp là gì?
Kỹ năng nghề nghiệp (Professional skills) được hiểu theo nghĩa rộng đó là hướng tới khả năng, năng lực thực hiện hành động của con người trong lĩnh vực nghề nghiệp cụ thể nào đó, hay còn được hiểu là khả năng thực hiện công việc nghề nghiệp một cách có hiệu quả trong một thời gian phù hợp dựa vào sự kết hợp thuần thục các yếu tố Kiến thức chuyên môn (Knowledge), các Kỹ năng phục vụ công việc (Skills) và Thái độ (Attitude).
2. Các loại kỹ năng nghề nghiệp
Tuỳ vào tiêu chuẩn hay cơ sở xác định mà kỹ năng nghề nghiệp có thể phân chia thành nhiều loại khác nhau:
- Dựa vào mức độ của hành động: kỹ năng đơn giản và kỹ năng phức tạp
- Dựa vào mức độ biểu hiện của kỹ năng của con người:
- Kỹ năng chung: những kỹ năng biểu hiện trong mọi hoạt động của con người, bất kể là lĩnh vực nào ví dụ như: kỹ năng học tập, kỹ năng giao tiếp, kỹ năng nghiên cứu…;
- Kỹ năng riêng: bao gồm các kỹ năng liên quan đến lĩnh vực hoạt động nghề nghiệp cụ thể. Trong mỗi lĩnh vực, mỗi nghề đều cần có những kỹ năng cần thiết riêng cho lĩnh vực đó ví dụ như trong lĩnh vực kỹ thuật cần có các kỹ năng như: đọc bản vẽ, kỹ năng tư duy logic về kỹ thuật,…
- Dựa vào mức độ quan trọng của kỹ năng đối với hoạt động nghề nghiệp:
- Kỹ năng cơ bản: những kỹ năng áp dụng để làm việc nói chung không dành riêng cho một nghề hoặc một ngành sản xuất, kinh doanh, dịch vụ: kỹ năng giao tiếp, kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng đặt mục tiêu,…
- Kỹ năng chung: những kỹ năng có thể áp dụng chung cho nhiều lĩnh vực, ngành nghề có liên quan, ví dụ như trong ngành kế toán – kiểm toán gồm các nghề có liên quan với nhau như kế toán công, kế toán doanh nghiệp, kiểm toán,… thì một số kỹ năng chung như kỹ năng quản trị tài chính, kỹ năng tổng hợp – phân tích, kỹ năng hoạch toán, bút toán,…
- Kỹ năng cốt lõi: Gồm những kỹ năng cần thiết, bắt buộc phải có để được công nhận là có trình độ nghề nghiệp nhất định nào đó.
- Dựa vào tính chất của kỹ năng, người ta còn phân loại ra các kỹ năng cứng và kỹ năng mềm.
- Kỹ năng cứng (hard skill) là kỹ năng chuyên môn nghề – kỹ năng kỹ thuật cụ thể như khả năng học vấn trình độ chuyên môn cho mỗi công việc, ngành nghề nhất định và kinh nghiệm.
- Kỹ năng mềm (soft skill), thường hiểu là các kỹ năng không mang tính kỹ thuật (hay còn gọi là Kỹ năng thực hành xã hội) là thuật ngữ liên quan đến trí tuệ xúc cảm dùng để chỉ các kỹ năng quan trọng trong cuộc sống con người.
3. Phát triển kỹ năng nghề nghiệp
Phát triển kỹ năng nghề nghiệp là quá trình hình thành, nâng cao khả năng thực hiện công việc nghề nghiệp một cách có hiệu quả trong một thời gian phù hợp dựa vào sự kết hợp thuần thục các yếu tố Kiến thức chuyên môn (Knowledge), các Kỹ năng phục vụ công việc (Skills) và Thái độ (Attitude). Quá trình này cũng có thể được xem là quá trình đào tạo, đào tạo lại, trang bị hoặc bổ sung thêm những kiến thức, kỹ năng và thái độ (năng lực) cần thiết để tăng giá trị cá nhân trên thị trường lao động và tăng năng suất và hiệu quả công việc.
3.1. Các giai đoạn hình thành và phát triển kỹ năng
Kỹ năng được hình thành qua 05 giai đoạn:
- Giai đoạn 1 – Bắt chước: Hình thành kỹ năng ở mức sơ bộ – chỉ hành động theo mẫu, khi điều kiện làm việc thay đổi thì gặp nhiều sai sót.
- Giai đoạn 2 – Làm được: Hiểu nhiệm vụ, quy trình làm việc nhưng còn có những sai sót, thời gian hoàn thành chậm và đôi khi còn cần có sự chỉ dẫn.
- Giai đoạn 3 – Làm chính xác: Làm việc theo quy trình, chính xác và hoàn thiện công việc trong khoảng thời gian phù hợp.
- Giai đoạn 4 – Hình thành kỹ xảo: Kỹ năng được tự động hoá, hoàn thành công việc theo đúng quy trình, chính xác, thời gian hoàn thành rất ngắn, trên cơ sở đó hình thành nên kỹ xảo.
- Giai đoạn 5 – Làm biến hóa: Sử dụng kỹ năng trong nhiều tình huống khác nhau, biến đổi theo tình huống hoặc hình thành các kỹ năng phức tạp.
3.2. Phát triển kỹ năng nghề nghiệp như thế nào
Để có cơ hội việc làm trên thị trường lao động, thanh niên phải có khả năng dịch chuyển. Khả năng này lại phụ thuộc vào chất lượng nguồn nhân lực. Thanh niên được phát triển kỹ năng nghề nghiệp sẽ có chất lượng cao hơn và do đó nâng cao được khả năng dịch chuyển trên thị trường lao động. Khả năng đó là tổng hòa năng lực của cá nhân thanh niên có thể di chuyển về không gian hoặc nghề nghiệp để có việc làm, là sự kết tinh của nhiều phẩm chất giúp thanh niên đáp ứng được yêu cầu của công việc ở nơi đến. Điều này thể hiện rõ ở “Mô hình cấu trúc khả năng dịch chuyển của lao động thanh niên” phù hợp với quan hệ cung – cầu lao động, đó là:
Cá nhân người lao động cần phải rèn luyện để có năng lực chung, bao gồm đầy đủ các yếu tố về sức khỏe (thể lực), về trình độ học vấn (trí lực), đạo đức, lối sống… (tâm lực); năng lực/kỹ năng về chuyên môn, kỹ thuật, nghiệp vụ “kỹ năng cứng”; năng lực/ kỹ năng về vốn xã hội, ngoại ngữ, giao tiếp, làm việc theo nhóm… “kỹ năng mềm”.
Cần có sự điều tiết của thị trường lao động:
Người sử dụng lao động có các điều tiết về nhu cầu lao động và năng lực/kỹ năng nghề nghiệp;
Sự can thiệp, điều tiết, hỗ trợ của Nhà nước: chính sách phù hợp với thị trường lao động, tạo cơ sở pháp lý, cơ sở xã hội cung cấp dịch vụ việc làm và dịch vụ xã hội, đáp ứng nhu cầu của cả người lao động và người sử dụng lao động.