Nguồn nhân lực là yếu tố quan trọng nhất của một doanh nghiệp. Do đó, quản trị nguồn nhân lực chính là chiếc chìa khoá mở ra cách cửa thành công cho doanh nghiệp
Vậy quản lý nguồn nhân lực là gì? Quản trị nhân sự có mục tiêu gì? Chức năng hoạt động ra sao? Viện Nghiên cứu Phát triển Nguồn nhân lực IRDM sẽ cung cấp cho các bạn một số thông tin giá trị xoay quanh vấn đề này ngay sau đây.
1. Quản lý nguồn nhân lực là gì?
Quản lý nguồn nhân lực là những hoạt động, quy trình mà quản lý nhân sự tiến hành triển khai, sắp xếp nhân lực nhằm đạt được các mục tiêu chiến lược của doanh nghiệp. Quy trình này gồm các bước tuyển dụng, quản lý, trả lương, nâng cao hiệu quả hoạt động, và sa thải nhân viên trong doanh nghiệp.
Nói cách khác, quản trị nguồn nhân lực là việc làm cho những mong muốn của doanh nghiệp và mong muốn của nhân viên của bạn tương hợp với nhau và cùng đạt đến mục tiêu.
Nhân viên của bạn trông đợi từ phía bạn một mức lương thỏa đáng, điều kiện làm việc an toàn, sự gắn bó với tổ chức, những nhiệm vụ có tính thách thức, trách nhiệm và quyền hạn.
Mặt khác, bạn với tư cách là chủ lao động mong muốn nhân viên của mình sẽ tuân thủ quy định tại nơi làm việc và các chính sách kinh doanh, thực hiện tốt mọi nhiệm vụ, đóng góp sáng kiến vào các mục tiêu kinh doanh, chịu trách nhiệm về cả việc tốt và việc dở, liêm khiết và trung thực.
2. Mục tiêu của quản trị nguồn nhân lực
- Mục tiêu xã hội: Tổ chức phải đáp ứng nhu cầu và thách đố của xã hội, tổ chức hoạt động vì lợi ích của xã hội chứ không phải của riêng đơn vị mình.
- Mục tiêu thuộc về tổ chức: Quản lý nguồn nhân lực là làm cách nào đó sao cho cơ quan, tổ chức hoạt động có hiệu quả. Quản trị nguồn nhân lực tự nó không là cứu cánh, nó chỉ là một phương tiện giúp cơ quan đạt được mục đích của mình.
- Mục tiêu cá nhân: Nhà quản trị phải giúp nhân viên đạt được mục tiêu cá nhân của họ. Nhà quản trị phải nhận thức rằng nếu lãng quên mục tiêu cá nhân của nhân viên thì năng suất lao động của họ sẽ giảm và nhân viên có thể rời bỏ tổ chức, hoạt động của tổ chức sẽ không đạt hiệu quả cao
3. Chức năng hoạt động của quản lý nguồn nhân lực
3.1. Tuyển dụng, đào tạo nhân sự
Tuyển dụng là bước đầu tiên, khó khăn nhất với bất kỳ nhà quản trị nhân sự nào. Rất nhiều yếu tố trong chức năng, như phát triển bản thân, mô tả công việc, tìm nguồn các ứng viên, phỏng vấn, đàm phán,…Sau khi tuyển dụng, việc đào tạo nhân viên theo vị trí, ngành nghề theo yêu cầu của công ty giúp nhân viên mới hiểu rõ quy trình, dễ dàng hòa hợp hơn với công ty.
Bên cạnh những khóa đào tạo nội bộ bắt buộc, tùy theo các yếu tố khách quan bên ngoài cũng như yêu cầu của thị trường, phòng nhân sự cũng có thể lên kế hoạch đào tạo thêm kỹ năng cho các nhân viên của doanh nghiệp.
3.2. Quản lý các chế độ chính sách
Các chế độ chính sách làm cho các nhân viên cảm thấy rằng họ đã được cấp trên và cả tổ chức chăm sóc.
Một công ty đạt được các mục tiêu của mình nếu công ty có thể thích nghi với những cách thức mới để cung cấp lợi ích cho nhân viên. Một số lợi ích mà doanh nghiệp có thể hỗ trợ cho nhân viên của mình, góp phần gia tăng năng suất của doanh nghiệp giúp quản lý nguồn nhân lực dễ dàng hơn:
- Giờ làm việc linh hoạt
- Kỳ nghỉ dài
- Bảo hiểm xã hội
- Nghỉ thai sản
- Du lịch cùng công ty
3.3. Xây dựng văn hoá công ty
Văn hoá giống như đời sống tinh thần của một doanh nghiệp. Để quản trị nguồn nhân lực, doanh nghiệp phải xây dựng văn hóa doanh nghiệp phù hợp, đầy đủ và thực hiện nó một cách nghiêm túc.
Văn hoá doanh nghiệp tạo nên sự khác biệt của một doanh nghiệp so với tất cả các doanh nghiệp khác. Để tạo ra sự khác biệt này, doanh nghiệp phải xây dựng văn hoá dựa trên hai yếu tố:
- Định hướng, chiến lược của công ty (sứ mệnh, tầm nhìn): Các mục tiêu cụ thể mà công ty đặt ra, bao gồm mục tiêu xuyên suốt trong quá trình hoạt động và mục tiêu cụ thể theo từng giai đoạn.
- Những giá trị mà công ty đang có (giá trị): Đội ngũ nhân sự; môi trường làm việc, văn hoá giao tiếp trong công ty; hình thức và phương pháp làm việc; khách hàng
Văn hóa doanh nghiệp sẽ có những giá trị cốt lõi xuyên suốt nhưng cách thể hiện nó hoặc một trong những nội dung của nó cần được thay đổi để phù hợp hơn. Trong đó, yếu tố khách quan (thị trường, công cụ sản xuất…) sẽ tác động mạnh đến việc thay đổi này.
Ví dụ: Thời điểm năm 2020, dịch COVID – 19 đang bùng phát phát mạnh mẽ ảnh hưởng đến thị trường. Hiện nay, công nghệ thông tin cũng đang ảnh hưởng đến quá trình sản xuất và kinh doanh của hầu hết các doanh nghiệp
Mỗi doanh nghiệp sẽ có những yếu tố văn hoá khác nhau. Văn hóa doanh nghiệp có thể được thay thế một số nội dung tùy thuộc vào ý chí chủ quan của nhà lãnh đạo và yếu tố khách quan bên ngoài.
Như vậy, quản lý nguồn nhân lực là cách tiếp cận để quản lý con người và văn hóa. Một nguồn nhân lực tốt cho phép doanh nghiệp cơ hội đạt được những mục tiêu đã đề ra đồng thời gia tăng sự tin cậy và lòng trung thành của nhân viên.