Cùng với sự phát triển mạnh mẽ của thời đại công nghệ số, kinh tế số tại Việt Nam đặt ra đòi hỏi nguồn nhân lực về công nghệ thông tin (CNTT) mạnh mẽ về cả số lượng lẫn chất lượng. Mời bạn xem qua một vài đặc điểm về thực trạng nguồn nhân lực công nghệ thông tin của Việt Nam.
Thực trạng nguồn nhân lực công nghệ thông tin là ngành có nhiều điểm sáng
Báo cáo mới nhất của Bộ Thông tin và Truyền thông cho thấy, đến hết năm 2020, tổng số nhân lực tham gia hoạt động trong ngành công nghiệp CNTT của Việt Nam đã cán mốc 1 triệu người. Nhân lực đang là động lực chính để ngành công nghiệp CNTT Việt Nam phát triển nhanh chóng và nhu cầu trong lĩnh vực này vẫn sẽ tăng cao trong vài năm tới.
Báo cáo của Navigos Search cho thấy, các doanh nghiệp Nhật Bản hoạt động trong mảng sản xuất linh kiện điện tử và ô tô đang có kế hoạch mở rộng trong năm 2021. Cùng với đó, nhiều doanh nghiệp sản xuất đến từ châu u, Mỹ, Trung Quốc… cũng đang tìm hiểu thị trường để đầu tư xây nhà máy và phát triển hoạt động sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam, đặc biệt là tại khu vực phía Nam.
Đặc biệt, trong năm 2020, Việt Nam đã trở thành điểm đến mới của các công ty sản xuất trong lĩnh vực công nghệ. Cụ thể, Qualcomm (Mỹ) mở Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển (R&D) tại Hà Nội; Luxshare ICT (công ty chuyên lắp ráp tai nghe Airpods cho Apple và Samsung) sau khi mở nhà máy, tuyển hàng ngàn công nhân và kỹ sư, đang có kế hoạch xây dựng thêm 1 nhà máy sản xuất Smart TV ở Khu công nghiệp Vân Trung (Bắc Giang) và mở rộng đầu tư nhà máy ở Nghệ An.
Cùng với đó, LG đã lên kế hoạch, dự kiến đầu tư 15.000 – 20.000 tỷ đồng xây dựng khu công nghiệp thông minh, nhà máy thông minh tại Đồng Nai; HCL (Ấn Độ) thành lập Trung tâm Công nghệ với vốn đầu tư 650 triệu USD và đặt mục tiêu đào tạo, tuyển dụng, phát triển nguồn nhân lực gồm 10.000 – 20.000 kỹ sư tại Việt Nam…
Khát nhân lực chất lượng cao
Khảo sát của các Trung tâm dịch vụ việc làm về nhu cầu tuyển dụng lao động cho thấy thực trạng nguồn nhân lực công nghệ thông tin dẫn đầu về nhu cầu tuyển dụng với hàng ngàn chỉ tiêu. Các chuyên gia cho rằng, “các vị trí đang thiếu hụt là lập trình viên, kỹ sư công nghệ thông tin, nhân viên thiết kế, nhân viên kỹ thuật…
Có thể nói CNTT luôn được đánh giá là một trong những ngành khát nhân lực nhất Việt Nam, khi các doanh nghiệp thường xuyên có nhu cầu tuyển dụng. Theo TopDev, trong năm 2019 Việt Nam thiếu đến 90.000 nhân sự, trong năm 2020 con số này đã tăng đến hơn 400.000 nhân sự và ước tính là 500.000 vào năm 2021.
Sự thiếu hụt này đến từ nhiều phương diện, chủ yếu do nguồn nhân lực có trình độ chuyên môn cao vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu của thị trường, trong khi đội ngũ nhân sự mới lại thiếu những kỹ năng cần thiết do chương trình đào tạo tại các trường Đại học thiếu sự định hướng, chưa đúng trọng tâm doanh nghiệp tìm kiếm.
Bên cạnh đó, việc đưa nhân sự CNTT đào tạo chuyên môn tại nước ngoài vẫn gặp nhiều khó khăn do trình độ sử dụng tiếng anh còn nhiều hạn chế. Ngoài ra, sự thiếu hụt chính sách về đào tạo nhằm nâng cao trình độ chuyên môn là một trong những lý do chính khiến cho bài toán tuyển dụng và giữ chân nhân tài IT tại các doanh nghiệp trở nên khó khăn hơn.
Các chuyên gia tuyển dụng lĩnh vực Công nghệ thông tin, cho biết nhu cầu tuyển dụng nhân lực ngành này tăng cao khi Chính phủ thúc đẩy chuyển đổi số, công nghệ 4.0, các doanh nghiệp trong lĩnh vực CNTT ra đời ngày càng nhiều, dẫn đến cạnh tranh khốc liệt, nhu cầu về nhân lực không đáp ứng đủ.
Nhiều doanh nghiệp không tìm được người do nhiều công ty có tiềm lực về tài chính đưa ra mức lương cao để thu hút nhân lực. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến việc tuyển dụng của các công ty vừa và nhỏ. Mức thu nhập cũng tăng tỷ lệ thuận với công sức, chất xám, trí tuệ bỏ ra. Hiên nay do nhu cầu cao nhưng nguồn cung khan hiếm, kỹ sư Công nghệ thông tin được một số đơn vị đang săn đón với lương vô cùng hấp dẫn.
Ưu tiên tập trung chất lượng hơn số lượng
Để cân bằng tình trạng thiếu hụt, chưa cân đối được “cung – cầu” nguồn nhân lực CNTT đối thị trường hiện nay, nhiều ý kiến chuyên gia cho rằng trong giai đoạn đào tạo khi còn ở ghế nhà trường, các trường nên phối hợp, liên kết với các DN công nghệ để mở rộng các cơ hội việc làm cho sinh viên ngành này. Nếu cần thiết, các DN có thể kết hợp với các khoa trong các trường để đào tạo, giảng dạy thêm kiến thức cho nguồn nhân lực tại chỗ
Bên cạnh đó, một trong những giải pháp để nâng cao chất lượng nhân lực CNTT là thông qua các nhiệm vụ về khoa học công nghệ được Nhà nước đặt hàng cho các tổ chức khoa học công nghệ trung gian kết nối giữa khối đại học với doanh nghiệp để đào tạo chuyên sâu cho các học viên là những sinh viên sắp tốt nghiệp đại học và đã tốt nghiệp, hoặc người đã đi làm… Người đứng lớp sẽ là các chuyên gia hàng đầu trong nước và quốc tế.
Những học viên này chính là nguồn nhân lực công nghệ mới bổ sung thiết thực cho các doanh nghiệp đang có nhu cầu.
Trên đây là một số thông tin nổi bật về thực trạng nguồn nhân lực công nghệ thông tin được IRDM tổng hợp và chia sẻ. Cảm ơn bạn!