Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn hiểu khái quát về khái niệm xã hội học là gì? những chức năng cơ bản và ý nghĩa nghiên cứu xã hội học.
Xã hội học là gì?
“Xã hội học là khoa học về các quy luật của tổ chức xã hội” – August Comte
Thuật ngữ “Xã hội học” (sociology) bắt nguồn từ gốc chữ latin: Societas (xã hội) và chữ Hy lạp: Lógos (ngôn từ, học thuyết). Khái niệm này được chính Auguste Comte xây dựng và đưa vào hệ thống tri thức khoa học lần đầu tiên vào năm 1838. Ông được coi là người đầu tiên đặt những viên gạch lý thuyết cho ngành khoa học này.
Sau này, xã hội học đã được phát triển theo những trường phái khác nhau. Hiện tại xã hội học đang được nghiên cứu theo những trường phái chính như sau:
- Cách tiếp cận vĩ mô: Nghiên cứu xã hội, hệ thống xã hội, cơ cấu xã hội.
- Cách tiếp cận vi mô: Đi vào nghiên cứu con người, hành vi, hành động của con người.
- Cách tiếp cận tổng hợp: Đi vào nghiên cứu cả xã hội và hành vi xã hội của con người.
Nhưng mặt xã hội đó lại là đối tượng nghiên cứu chung của nhiều ngành khoa học khác nhau. Chẳng hạn nó là đối tượng của khoa học kinh tế khi nghiên cứu về sản xuất, phân phối, trao đổi, tiêu dùng vật chất, hoặc nó trở thành đối tượng của khoa học chính trị khi nghiên cứu về quyền lực, nó là đối tượng của khảo cổ học khi nghiên cứu những gì còn lại của những nền văn minh đã mất…
Còn “xã hội học là khoa học nghiên cứu chủ yếu về các khuôn mẫu của các tương tác con người trong xã hội (social interactions)”. Các tương tác đó diễn ra trong trường quan hệ xã hội giữa các chủ thể xã hội (cá nhân, nhóm, cộng đồng, xã hội tổng thể) diễn ra trong các hoạt động xã hội (sản xuất, văn hóa, tái sản sinh xã hội, quản lý, giao tiếp). Để nghiên cứu được những điều đó, xã hội học phải bắt đầu từ các sự kiện, hiện tượng và quá trình xã hội.
Chức năng của xã hội học
Mỗi một môn khoa học đều có một số chức năng nhất định. Chức năng của mỗi môn khoa học được phản ánh ở mối quan hệ và sự tác động qua lại của chính môn khoa học đó với thực tiễn xã hội. Xã hội học có sáu chức năng cơ bản sau đây:
Chức năng nhận thức
Xã hội học cũng giống như các môn khoa học khác là trang bị cho người nghiên cứu môn học những tri thức khoa học mới, nhờ đó mà chúng ta có được nhãn quan mới mẻ hơn khi tiếp cận tới các hiện tượng xã hội, sự kiện xã hội và quá trình xã hội vốn rất gần gũi rất quen thuộc quanh chúng ta.
Xã hội học góp phần mở rộng sự hiểu biết của con người về đời sống xã hội, về các nguyên nhân và hệ quả của các sự kiện xã hội, và các vấn đề xã hội cần được giải quyết thông qua việc nghiên cứu phát hiện quy luật của sự vận động và phát triển của các hiện tượng hay quá tình xã hội.
Chức năng tư tưởng
Xã hội học giúp chúng ta nhận thức đầy đủ sức mạnh và vị trí của con người trong hệ thống xã hội, góp phần nâng cao ý thức của con người về vai trò, vị trí và trách nhiệm của mình trong xã hội, họ tự điều chỉnh thái độ, hành vi của mình cho phù hợp với những chuẩn mực ứng xử của cộng đồng, phát huy được tính tích cực xã hội, khắc phục được các hành vi lệch lạc.
Chức năng dự báo
Trên cơ sở những kết quả điều tra nghiên cứu thực nghiệm, phân tích một cách logic và khách quan các sự kiện, hiện tượng, quá trình xã hội, xã hội học còn đưa ra được những dự báo về xu hướng, tương lai vận động và phát triển xã hội. Dự báo xã hội là một thế mạnh của xã hội học. Có thể nói trong tất cả các môn khoa học xã hội thì xã hội học có chức năng dự báo mạnh nhất và hiệu quả nhất.
Chức năng thực tiễn
Xã hội học không phải là khoa học nghiên cứu hoạt động quản lý, nhưng các hoạt động quản lý kể cả quản lý kinh tế, hành chính hay nhân sự chỉ trở nên tối ưu khi mà biết sử dụng tốt các kết luận, nhận định và dự báo của xã hội học.
Các nghiên cứu xã hội đều hướng đến mục tiêu thực tiễn nhằm cung cấp tri thức trực tiếp cho hoạt động sống của cá nhân, nhóm, cộng đồng và xã hội hay đề nghị các giải pháp hay phương hướng hành động cho việc hoạch định chính sách và tổ chức thực hiện các chương trình theo đúng yêu cầu khách quan của sự phát triển xã hội.
Auguste Comte cha đẻ của ngành khoa học này ngay từ lúc sơ khai đã nhấn mạnh chức năng cải tạo xã hội của nó mà ông tóm tắt trong mệnh đề rất nổi tiếng “Biết dự đoán, biết kiểm soát”.
Các phương pháp, các kỹ thuật thao tác, các cách thức tiếp cận xã hội của xã hội học được các ngành khoa học khác nhau cũng như các lĩnh vực khác nhau của kinh tế, chính trị, văn hóa,… sử dụng như một công cụ hữu ích và hết sức cần thiết trong quá trình hoạt động. Chúng ta có thể thấy rõ điều đó qua các cuộc thăm dò dư luận xã hội trước các cuộc tranh cử, hay các phương pháp điều tra của xã hội học được ứng dụng vào việc thăm dò nhu cầu, thị hiếu khách hàng trong marketing. Do vậy “xã hội học sẽ làm một công cụ hữu hiệu để cho con người có thể xây dựng cho mình một xã hội tốt đẹp hơn”.
Ý nghĩa của xã hội học
Bắt đầu từ thế kỷ XVIII, đời sống xã hội ở các nước châu u trở nên hết sức phức tạp từ Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ nhất, sự ra đời của Chủ nghĩa tư bản, những mâu thuẫn giai cấp, mâu thuẫn dân tộc, mâu thuẫn tôn giáo căng thẳng, các quan hệ xã hội ngày càng thêm đa dạng và phức tạp.
Trước tình hình như thế, xã hội nảy sinh một yêu cầu cấp thiết là cần phải có một ngành khoa học nào đó đóng vai trò tương tự như một bác sĩ luôn luôn theo dõi cơ thể sống – xã hội tiến tới giải phẫu các mặt, các lĩnh vực khác nhau trên bề mặt cắt của nó từ tầm vĩ mô đến vi mô, kể cả khi xã hội đó thăng bằng cũng như khi mất thăng bằng để chỉ ra trạng thái thật của xã hội đó, phát hiện ra những vấn đề xã hội (social problems), dự báo khuynh hướng phát triển của xã hội, và chỉ ra những giải pháp có tính khả thi.
Xã hội học đã phát triển rực rỡ và có được những bước tiến dài trong việc xây dựng nền tảng cũng như các phân ngành xã hội học ở các nước công nghiệp phát triển. Có thể nói những thành tựu to lớn mà các nước công nghiệp phát triển đạt được là có sự đóng góp đáng kể của ngành khoa học xã hội học.
Ngày nay, xã hội học đã có mặt ở hầu khắp các nước trên thế giới và chiếm một vị trí xứng đáng trong hệ thống lý thuyết cũng như ứng dụng.