Kế hoạch hoá nguồn nhân lực là một trong các hoạt động thiết yếu trong mỗi doanh nghiệp và ảnh hưởng trực tiếp đến chiến lược và hoạt động kinh doanh. Tuy nhiên các nhà quản trị, bộ phận nhân sự chưa thực sự quan tâm đến công tác kế hoạch hoá. Cùng IRDM tìm hiểu rõ hơn về khái niệm kế hoạch hoá nguồn nhân lực là gì và vai trò của hoạt động quan trọng này nhé!
1. Khái niệm kế hoạch hoá nguồn nhân lực
Kế hoạch hoá nguồn nhân lực là quá trình lập kế hoạch thực hiện chi tiết nhằm hiện thực hóa hoạch định nguồn nhân lực. Hay nói cách khác, thực hiện kế hoạch hóa chiến lược nguồn nhân lực nhằm thoả mãn nhu cầu nguồn nhân lực trong doanh nghiệp, tổ chức sau khi trải qua quá trình đánh giá, phân tích và dự báo.
Cụ thể, các công việc cần thiết để thực hiện kế hoạch hoá nguồn nhân lực (KHHNNL) bao gồm:
- Phân tích, đánh giá và xác định lượng cầu lao động (lao động mà phòng ban, công ty đang có nhu cầu tuyển dụng) trong thời gian yêu cầu. Ngoài ra, cần đánh giá thêm chất lượng nhân lực để đảm bảo thực hiện được các công việc đang thiếu lao động.
- Xác định nguồn cung lao động của công ty.
- Lên kế hoạch thực hiện các phương án nhằm cân bằng mức cung – cầu lao động của doanh nghiệp trong một khoảng thời gian đề ra.
2. Vai trò của kế hoạch hóa nguồn nhân lực
Kế hoạch hoá nguồn nhân lực đóng vai trò quan trọng trong việc điều phối hiệu quả lao động trong doanh nghiệp nhằm đạt được các mục tiêu kinh doanh một cách có chiến lược. Cùng IRDM phân tích sâu hơn về vai trò tại sao cần thực hiện kế hoạch hoá chiến lược nguồn nhân lực.
2.1. Quản lý chiến lược nguồn nhân lực
Doanh nghiệp quản lý chiến lược nguồn nhân lực hiệu quả khi thực hiện kế hoạch hoá nguồn nhân lực. Nguyên nhân là do chất lượng nguồn nhân lực trong doanh nghiệp hiện nay cũng trở thành một lợi thế cạnh tranh. Do đó, bên cạnh việc sử dụng vốn, tài chính một cách hiệu quả, các doanh nghiệp còn phải sử dụng lao động một cách có chiến lược để tối ưu hoá hoạt động kinh doanh.
Kế hoạch hoá nguồn nhân lực là giúp hệ thống và sắp xếp lại các chiến lược, chiến thuật một cách trực quan. Nhờ vậy, các nhà quản trị có thể bao quát nhằm đánh giá và kịp thời điều chỉnh, kiểm soát và cải thiện quá trình quản lý. Chắc chắn rằng khả năng đạt được mục tiêu nguồn nhân lực được đảm bảo hơn.
Một số lợi ích mà thực hiện kế hoạch hoá nguồn nhân lực mang lại cho doanh nghiệp bao gồm:
- Thông qua bản kế hoạch nguồn nhân lực, doanh nghiệp kịp thời phát hiện những khó khăn trong tương lai và chuẩn bị phương án đối phó.
- Có góc nhìn tổng quan về hiện trạng của nguồn nhân lực trong tổ chức và mục tiêu trong tương lai. Từ đó xây dựng lộ trình tuyển dụng, đào tạo và phát triển phù hợp.
- Với một kế hoạch nguồn nhân lực cụ thể, nhiều người có thể tham gia quản lý và giám sát quá trình thực hiện.
- Xác định điểm mạnh, điểm yếu của nguồn lao động trong doanh nghiệp một cách tổng quan để đưa ra các giải pháp phù hợp.
2.2. Ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của tổ chức
Để hoạt động kinh doanh được thực hiện một cách hiệu quả, nhà quản trị cần đảm bảo được nguồn lao động phải đáp ứng được nhu cầu cả về số lượng và chất lượng.
Kế hoạch hoá nguồn nhân lực giúp sử dụng nguồn nhân lực sẵn có, đưa ra những phương án tuyển dụng kịp thời, đảm bảo số lượng người lao động phù hợp với chất lượng tay nghề tương ứng. Nhờ vậy, kế hoạch sản xuất, kinh doanh được đảm bảo triển khai đúng chất lượng, số lượng và tiến độ; giúp doanh nghiệp đạt mục tiêu kinh doanh trong tương lai.
2.3. Cơ sở cho các hoạt động nguồn nhân lực
Các hoạt động liên quan đến nguồn nhân lực trong doanh nghiệp bao gồm: tuyển dụng, đào tạo nguồn nhân lực, phát triển nguồn nhân lực, các hoạt động biên chế… Nhờ xây dựng một kế hoạch cụ thể, các hoạt động này được diễn ra hiệu quả cao hơn và phù hợp hơn với từng thời điểm.
Ví dụ:
- Doanh nghiệp bạn sẽ tuyển dụng bao nhiêu nhân lực, chất lượng lao động ở mức nào cho phòng ban nào?
- Bao lâu sẽ tiến hành đào tạo, training để phát triển nguồn nhân lực để đạt được mục tiêu chiến lược tiếp theo?
- Các phương án để xây dựng đội ngũ kế thừa trong doanh nghiệp.
Qua đây bạn có thể thấy được kế hoạch hoá nguồn nhân lực đóng vai trò cơ sở cho các hoạt động nguồn nhân lực khác và có mối quan hệ chặt chẽ với chiến lược sản xuất – kinh doanh của doanh nghiệp.
2.4. Góp phần điều hoà các hoạt động khác trong doanh nghiệp
Thực hiện kế hoạch hoá nguồn nhân lực còn giúp doanh nghiệp điều hoà và cân đối các hoạt động trong doanh nghiệp. Như đã giới thiệu, người lao động đóng vai trò cốt lõi trong đa số các hoạt động trong doanh nghiệp. Kế hoạch hoá nguồn nhân lực là cơ sở để các hoạt động nguồn nhân lực được thực hiện thuận lợi hơn.
Từ đó đảm bảo các hoạt động sản xuất, kinh doanh, quản lý được diễn ra tốt hơn, giảm thiểu những rủi ro phát sinh và sớm chuẩn bị được những phương án khắc phục phù hợp.
Kết luận
Kế hoạch hoá là quá trình cần được thực hiện ngay sau khi hoạch định nguồn nhân lực. Đó là vì kế hoạch hoá nguồn nhân lực giúp cụ thể hoá và điều phối các chiến lược, chiến thuật nhằm đạt những mục tiêu mà hoạch định đặt ra. Qua đó, tăng khả năng đạt được mục tiêu nguồn nhân lực nói riêng và mục tiêu kinh doanh nói chung của doanh nghiệp.
Hy vọng qua bài viết này, IRDM giúp bạn hiểu hơn về hoạt động kế hoạch hoá nguồn nhân lực là gì? các công việc thực hiện, cũng như hiểu hơn lí do tại sao cần thực hiện KHHNNL cho doanh nghiệp mình.